22.01.2025 – Thứ Tư Tuần II Thường Niên
Lời Chúa : Mc 3, 1-6
“Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6). Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu, về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay, chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh. Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ. Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không. để có cớ tố cáo Ngài. Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng. Ngài muốn công khai hóa và chính thức hóa việc làm của mình, bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!” Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh. Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài về điều được phép làm trong ngày sabát: được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết? Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng, nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động. Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử. Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử. Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao. Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này. Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh. Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống. Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn. Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt, một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được, một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ, theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể. “Hãy giơ tay ra!” Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường. Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được. Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác, và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn. Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông. Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối, Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5). Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình. Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm. Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi. Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa. Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Đoạn Lời Chúa hôm nay trình thuật lại việc có một số người không sống cho chính mình mà sống dùm người khác. Suốt ngày họ chỉ lo “bới lông tìm vết”, xét nét rình mò xem người khác sơ hở hay chướng tai gai mắt chỗ nào thì lập tức lên án, tố cáo và buộc tội. Họ thậm chí bất chấp trước một việc tốt mà lẽ ra cần phải khích lệ để việc tốt và ý hướng ngay lành ấy ngày càng được nhân lên và lan tỏa.
Trước sự việc đó, Chúa Giêsu đoán biết được tâm tính của họ, liền hỏi: “Ngày Sabáth, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”. Qua đó, Chúa Giêsu giúp cho mỗi người chúng ta nhận ra “luật vị nhân sinh” chứ không phải “nhân sinh vị luật”. Đó là nguyên tắc để dầu sống bất cứ dưới chế độ nào, thời đại nào hay xã hội nào, con người cũng tìm thấy được sự bình an vì mình sống triệt để lề luật.
Thánh sử Marcô miêu trả câu trả lời của Chúa Giêsu bằng hành động chữa người bại tay. Qua đó giúp chúng ta nhận ra lời dạy của Chúa Giêsu là trước một điều tốt mình có thể làm mà lại không làm để giúp đỡ người khác là mình đã thực hiện điều dữ rồi.
Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ thánh Vinhsơn phó tế tử đạo tại Tây Ban Nha năm 304, cùng năm với thánh nữ Anê ở Rôma. Thánh giám mục Valêriô nhận ra được những tài năng và đức tính của chàng trai trẻ Vinhsơn Saragôsa nên đã ra sức dạy dỗ và phong chức phó tế. Đức cha Valêriô đã mời ngài giảng dạy các môn học về Chúa Giêsu và về Giáo hội. Và rồi hoàng đế Dacianô đã bắt cả Valêriô lẫn Vinhsơn Saragôsa. Sau khi bị giam giữ suốt một thời gian dài nhưng tinh thần cả hai vẫn vững tin vào Chúa Giêsu, họ đã tách riêng hai ngài ra và nhục hình dã man đã ban để tra tấn Vinhsơn. Ngài bị căng ra trên giường rồi cai ngục thi nhau đánh đòn da thịt rách nát, thậm chí họ còn lấy móc sắt nung đỏ để xé thịt ngài. Chính bọn lý hình cũng phải rùng mình với hình phạt này. Cuối cùng, để cho tội nhân chết dần, Dacianô truyền ném thánh nhân vào ngục tối đầy miểng chai bể. Dầu vậy, khi ngài bị bỏ vào ngục, thì ngục thất bỗng sáng trưng. Thân xác đau đớn rã rời, song ngài vẫn không ngớt hát ca vịnh chúc tụng Chúa. Chứng kiến việc lạ này, một người cai tù ăn năn trở lại. Sau khi được đặt lên chiếc giường thì ngài trút hơi thở.
Thầy phó tế Vinhsơn vẫn bình an trong tất cả mọi đau khổ. Điều đó như một sự khích lệ cho mỗi người chúng ta không oán hờn nhưng tiếp tục yêu thương và thực thi việc lành, dù đời không phải lúc nào cũng dễ thương.