21.01.2025 – Thứ Ba Tuần II Thường Niên
Lời Chúa: Mc 2, 23-28
“Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Các Kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát. Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36). Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này. Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát. Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa. Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong. Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm : “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.” Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát, lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.
Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê. Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này, nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li. Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít. Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực. Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6). Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9). Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế. Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38). Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại. Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát. Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15). Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả. Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa. Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần. Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa. Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời để sống cả ba chiều kích ấy.
Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan, hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Dưới bầu trời bao la, trong cô đơn và thầm lặng, với tấm lòng thanh tịnh, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn, huyên náo vì đấu tranh, giữa đám đông hối hả lăng xăng, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Và khi đã hoàn tất việc đời, lạy Thiên Chúa muôn loài, một mình, lặng lẽ, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.
(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Ông bà ta có câu: “Thương nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau trái bù hòn cũng méo”, “Thương nhau thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua cánh đồng lúa đang trổ đồng đồng, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa để may ra nhờ những bông lúa ngậm sữa ấy mà đỡ mệt. Thật có đáng là bao! Nhưng người Biệt phái kết án là lao động gặt hái là điều không được phép làm trong luật nghỉ ngày Sabath. Họ lên án luôn cả Thầy Giêsu lo mà dạy dỗ các môn đệ lại.
Nhìn vào thực tế hôm nay, đôi lúc an tâm với việc giữ luật hay đọc kinh râm rang, dần dần không khiêm tốn đủ, khiến chúng ta dễ trở nên chúa của chính mình, tách mình thành nhóm Biệt phái là người cho mình đạo đức hơn người khác, không biết kiềm chế miệng lưỡi, dễ buông lời lên án người khác.
Lời Chúa hôm nay, trong bầu khí Tuần lễ Cầu cho sự hiệp nhất, giúp chúng ta nhận ra rằng, luật lệ hay sinh hoạt nơi cộng đoàn giáo xứ là phương tiện giúp chúng ta sống mối tương quan cá vị giữa mình với Thiên Chúa cách cụ thể bằng những hành động bác ái hơn là thái độ chỉ trích nhau. Trích thư gửi tín hữu Do Thái giúp chúng ta càng xác quyết hơn: “Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người”.
Gương thánh Anê (được mừng kính hôm nay, ngày 21/01) là một trong bốn thánh nữ thời danh được Giáo hội tôn kính đặc biệt nói lên tấm lòng khiết trinh và tận hiến của một Kitô hữu dành cho Chúa Giêsu. Theo cuốn “Đời sống các trinh nữ” để lại trong một bài giảng ngày 21/01/376, thánh Ambrôsiô đã cho biết Thiên Chúa ban cho thánh nữ Anê một nhan sắc đầy quyến rũ. Khi vừa đến tuổi cập kê, có nhiều thanh niên quý phái ngấm ngầm yêu thương, nhưng Anê từ chối mọi lời đề nghị vì bản thân quyết dâng mình cho Chúa. Một thanh niên đã tố cáo với nhà cầm quyền để bắt bớ vì cô là Kitô hữu. Như người ta dùng nước để cắt sắt đá thế nào, người phụ nữ chân yếu tay mềm đã rất bình thản và can trường trước mọi khổ hình nơi những bàn tay sắt đá hung dữ của bọn lý hình khát máu. Thánh Anê đã coi cái chết nhẹ như lông hồng và sẵn sàng đón nhận cách vui sướng như một trinh nữ hân hoan sắp được gặp đấng lang quân mà ngài xác quyết: “Tôi chỉ tin một Chúa Kitô, Đấng lòng tôi trìu mến và kén chọn”.