18.12.2024 – Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 1, 18-24
“Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Thiên Chúa bất ngờ và mãi mãi bất ngờ. Ngài muốn cứu độ nhân loại bằng cách sai Con Một làm người. Cách trở thành người của Con Thiên Chúa vừa bình thường, lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Ngài được một phụ nữ sinh ra (x. Gl 4, 4). Khác thường vì Ngài được sinh ra không do một người cha ruột, nhưng do quyền năng của Thánh Thần (cc. 18. 20). Đây là niềm tin ngay từ thuở ban đầu của các Kitô hữu. Giáo Hội sung sướng đến với máng cỏ để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu và Mẹ đồng trinh của Ngài.
Nhưng chúng ta không được quên thánh Giuse. Giuse đã bối rối, đau khổ khi thấy vị hôn thê của ông mang thai, dù Maria chưa về chung sống với ông, dù chưa làm đám cưới. Ông không muốn tố cáo Maria vì tội ngoại tình, nhưng ông cũng không thể lấy Maria làm vợ, với thai nhi trong bụng không phải của ông. Cuối cùng ông chọn giải pháp là chia tay bà một cách kín đáo (c. 19). Như thế ông hy vọng sẽ bảo vệ được danh dự và an toàn cho Maria. Nhưng Thiên Chúa Cha cần Giuse, cần một người cha nhân loại cho Con mình. Con Thiên Chúa không thể sinh ra trong một gia đình không cha. Người cha cần biết bao cho sự phát triển quân bình của đứa trẻ. Maria cũng cần chỗ dựa và không thể một mình nuôi con. Qua sứ thần, Thiên Chúa mong Giuse đón Maria về làm vợ (c. 20), nghĩa là làm đám cưới chính thức với Maria. Việc này đi kèm với việc đặt tên cho người con trai của Maria, nghĩa là nhận người con ấy là con của mình trước pháp luật (c. 21).
Một lời mời quan trọng chờ nơi Giuse một tiếng Xin Vâng. Đâu phải Thiên Chúa chỉ cần tiếng Xin Vâng của Maria là đủ. Giuse có thể từ khước vì thấy mầu nhiệm khó hiểu và khó tin. Làm sao quyền năng Thánh Thần lại có thể làm cho Maria mang thai? Giuse có thể sợ vì thấy mình phải chịu trách nhiệm làm chồng làm cha, dù thực sự mình chẳng hề là thế. Thiên Chúa đã mời Giuse trong giấc ngủ đêm khuya. Và ông đã làm y như lời sứ thần truyền khi thức dậy (c. 24). Tiếng Xin Vâng của Giuse quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ, nhờ đó Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời, có một mái nhà, có mẹ, có cha, có tên, có tuổi. Nếu không có những tiếng Xin Vâng của Maria và Giuse, thì điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại đang cần ơn cứu độ? Thiên Chúa chỉ ở-với-chúng ta nếu có những tấm lòng xin vâng. Ngài vẫn cần tấm lòng của người mẹ biết cưu mang như Maria, và tấm lòng của người cha dám chịu trách nhiệm để Giêsu có chỗ đứng hợp pháp trong thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa. Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Trang Tin mừng hôm qua, thánh Mátthêu cho chúng ta biết về nhân tính của Chúa Giêsu qua gia phả; còn trang Tin mừng hôm nay, thánh Mátthêu cho chúng ta biết được thần tính của Chúa Giêsu: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”.
Giáo lý Hội thánh dạy rằng: “Chúa Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật và là người thật trong sự duy nhất của Ngôi Vị Thiên Chúa của Người; vì vậy Người là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người”. Tiếp theo, giáo lý Hội thánh còn dạy: “Chúa Giêsu có hai bản tính, thần tính và nhân tính …” (SGLHTCG số 480-481).
Như thế, Lời Chúa và giáo lý của Giáo hội đã giúp chúng ta nhận ra Đức Giêsu chính là Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ nhân loại. Người đến với loài người để đem lại sự bình an, sự sống mới cho nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta. Ý thức thân phận yếu hèn của mình, mỗi ngày sống, chúng ta hãy dành thời gian cho Chúa bằng việc học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, nhất là bằng việc tham dự thánh lễ để cảm tạ Thiên Chúa vì Thiên Chúa luôn yêu thương và tỏ lòng thương xót cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn yêu thương và hiện diện với chúng con, cho dù chúng con vẫn còn những giới hạn về đức tin và lòng yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm lòng tin-cậy-mến giúp chúng con luôn biết đến với Chúa và gắn bó mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, nhất là tham dự thánh lễ. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong