21.11.2024 – Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên: Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ
Lời Chúa: Mt 12, 46-50
“Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: “Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc. Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông. Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được. Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do. Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài. Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó. Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện. Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng. Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài, thay vì đi ra nói chuyện với mẹ. Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây, hơn những người đứng ở ngoài kia. Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48). Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia, đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài. Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu. Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49). Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia, và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này. Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt. Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới. Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này. Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài. Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha. Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50). Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn. Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau. Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha, cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8). Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài. Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ. Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria. Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác, bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình, bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại, người ấy là mẹ Đức Giêsu. Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu, Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa. Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ. Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa. Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên. Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh. Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ. Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do. Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh. Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Chúa Giêsu đã nói những lời này khi nhìn Giêrusalem từ xa, chuẩn bị bước vào thành thánh này lần cuối để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Khi Chúa Giêsu nói những lời này, Tin mừng cho biết Người đã khóc thương thành. Tất nhiên, đó không phải chủ yếu là những giọt nước mắt về sự tàn phá vật chất trong tương lai của đền thờ và cuộc xâm lược của quân đội Rôma. Trước hết và quan trọng nhất là những giọt nước mắt về sự thiếu đức tin của rất nhiều người, đó mới là sự tàn phá thực sự mà Người than khóc.
Khi Chúa Giêsu tiến đến thành Giêrusalem, vào đền thờ lần cuối để hiến dâng mạng sống của mình như Chiên Con hy sinh để cứu độ thế giới, Chúa Giêsu biết rằng nhiều người trong thành thánh này sẽ không chấp nhận sự hy sinh cứu độ của Người. Chúa biết nhiều người trong thành đó sẽ trở thành công cụ cho cái chết sắp xảy ra của Người. Chúa Giêsu khóc thương thành và dân của thành Giêrusalem bất chấp những gì họ sẽ sớm làm với Người.
Có những điều đặt ra khi chúng ta đọc Tin mừng hôm nay: Khi phải chịu bất công, chúng ta phản ứng thế nào? Có nổi giận không? Lên án hay phòng thủ?
Phản ứng trong cơn giận dữ không mang lại điều gì tốt đẹp. Nó không giúp chúng ta noi gương Chúa Chúa Giêsu, và nó không giúp ích gì cho những người mà chúng ta tức giận. Mặc dù đôi khi cơn giận dữ có thể được sử dụng vì mục đích tốt, nhưng nó trở thành tội lỗi khi nó ích kỷ và là phản ứng trước một số bất công xảy ra với chúng ta. Chúng ta có thể buồn khi bị người ta kết án, hoặc bị hiểu lầm hoặc bất công; nhưng chúng ta có thể buồn trong đức ái. Đức tính này không chỉ giúp tâm hồn chúng ta phát triển tình yêu thương đối với những người đã làm tổn thương mình, mà còn giúp họ nhìn rõ hơn những gì họ đã làm để họ có thể ăn năn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gánh chịu tội lỗi của nhiều người. Chúa đã bị đối xử tàn ác và bất công. Đối với tất cả những tội lỗi này, bao gồm cả những tội lỗi mà Chúa đã thấy trước, Chúa đã phản ứng bằng tình yêu của sự đau buồn thánh thiện. Và sự đau buồn đó đã dẫn Chúa đến lòng trắc ẩn và sự quan tâm thực sự đối với tất cả mọi người. Xin ban cho con ân sủng để noi theo tình yêu của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien