09.10.2024 – Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 11, 1-4
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: “Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Có nhiều định nghĩa về con người. Con người là con vật biết sử dụng các dụng cụ. Con người là con vật biết suy nghĩ đắn đo. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Phải định nghĩa con người là con vật biết cầu nguyện, nghĩa là có khả năng lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa. Con người là sinh vật biết chuyện trò với Tạo Hoá. Cầu nguyện không phải là nói với một sự vật, một ý tưởng, nhưng là nói với một Ðấng siêu vượt tôi, mà lại rất gần gũi thân thương và biết tôi. Ðấng ấy nói với tôi và nghe được lời tôi nói. Có nhiều tâm tình khi ta cầu nguyện: thống hối, tri ân, ca ngợi, thờ lạy, dâng hiến, nài xin. Nài xin chẳng phải là điều hạ giá con người. Con người cảm nghiệm được thân phận mong manh, nên khiêm hạ đi tìm sự nâng đỡ. Xin cho chúng con bánh cần dùng mỗi ngày.
Bánh vật chất, bánh tinh thần, Bánh Thánh Thể. Bánh cho chúng con sự sống. Xin tha thứ tội chúng con, để chúng con được sống bình an sau những va vấp. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Cơn cám dỗ lớn nhất là chỉ sống cho mình, và khép lại trước Thiên Chúa và anh em. Quỳ xuống cầu xin là thái độ của người biết mình, biết những gì mình có thể làm được, và biết những gì nằm ngoài tầm tay của mình. Khi tương quan giữa Mỹ và Irak căng thẳng cực độ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã tới Bagdad để thuyết phục phía Irak ký vào bản thoả thuận. Lúc trở về, ông nói: “Tôi đặc biệt đã cầu nguyện nhiều. Ðừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của sự cầu nguyện.” Chẳng phải chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện khó. Ðể hít thở bình thường cũng cần đến ơn trên. Cần có thái độ kiên trì khi cầu nguyện. Hãy cứ gõ cửa nhà Chúa trong đêm mịt mù. Cần tập đứng đợi, tập quấy rầy Chúa. Thế nào Ngài cũng mở cửa và cho mọi sự ta cần. Hãy để Ngài tự do cho vào lúc và theo cách Ngài muốn, dù điều đó không hợp với ước mơ của ta. Lắm khi ta có cảm tưởng Ngài không nhận lời. Có thể vì lời nài xin của ta đầy tính ích kỷ, hay vì Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn hơn.
Xin Ðức Giêsu dạy ta biết cách cầu xin, đưa ta ra khỏi những bận tâm hẹp hòi về chính mình, để thấy những nhu cầu lớn lao của Hội Thánh. Ơn cao cả nhất mà chắc chắn Cha muốn ban cho ta đó là Chúa Thánh Thần. Có Thánh Thần là có niềm vui, sức mạnh, ánh sáng, sự sống. Có khi nào ta nài xin Cha ban Thánh Thần chưa?
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn. Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm về lời cầu nguyện vĩ đại mà Chúa Giêsu đã dạy. Chúng ta hãy nghĩ xem lời cầu nguyện này liên kết chúng ta với tất cả những nhân vật vĩ đại trong lịch sử Kitô giáo, từ Phêrô và Phaolô đến Augustino, Tôma Aquinô, Phanxicô thành Assisi, John Henry Newman, GK Chesterton, John Paul II, và cho đến tận ngày nay.
Chắc chắn sự khao khát cầu nguyện luôn được gieo sâu bên trong chúng ta. Điều này có nghĩa là mỗi người trong chúng ta luôn mong muốn được nói chuyện với Chúa và lắng nghe Người, nhưng hãy nhớ rằng, cầu nguyện không phải để thay đổi suy nghĩ của Chúa hoặc để nói với Chúa điều gì đó mà Người không biết. Chúa không giống như một chủ tịch hay bí thư thành phố lớn hay một đấng vị vọng nào đó mà chúng ta phải thuyết phục. Hay nói đúng hơn Thiên Chúa không muốn gì khác ngoài việc ban cho chúng ta những điều tốt đẹp để đời sống được hạnh phúc, dẫu rằng không phải những gì Chúa mong muốn và ban cho mỗi chúng ta hay là ý của Chúa muốn là những gì chúng ta muốn.
Có lẽ kinh nghiệm cầu nguyện của mỗi chúng ta ai cũng có, nhưng lời cầu nguyện của chúng ta dường như là chúng ra lệnh cho Chúa hơn là tìm ý Chúa trong lời cầu nguyện của chúng ta. Trước hết, chúng ta phải làm mọi sự vì để làm vinh danh Chúa lên hàng đầu; chúng ta phải cố gắng thực hiện ý muốn của Người trong mọi sự và mọi lúc; chúng ta phải được củng cố bởi lương thực tâm linh qua việc năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hoà giải và bí tích Thánh thể, nếu không chúng ta sẽ sa ngã; chúng ta phải là tác nhân của sự tha thứ; chúng ta phải có khả năng ý thức và nhận ra những gì là không hợp ý Chúa và can đảm chống lại những thế lực của sự dữ, kẻo chúng ta sẽ tôn trọng chính ngôi vị và phẩm giá mà Chúa đã ban cho chúng ta qua bí tích Rửa tội.
Lạy Chúa, chắc chắn với bản tính xác thịt, con thực sự yếu đuối. Xin cho con có sự khiêm tốn để con dám đối diện với những thực tại nơi con mà can đảm thực thi những gì Chúa hằng mong muốn nơi bản thân con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien