07.10.2024 – Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên: Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Lời Chúa: Lc 1, 23-38
“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ. Kính Mừng Maria đầy ơn phúc. Ðây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin, lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến. Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương. Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế, nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội. Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.
Ðức Chúa Trời ở cùng Bà. Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị. Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ, vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị em. Kitô hữu là người có Ðức Kitô ở cùng và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Ðó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42) vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Ðấng Mêsia. Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc 11, 27). Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45). Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin. Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ, để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29) Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời.
Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện. Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ. Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu, nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của Ngài: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống, chúng ta sinh Ðức Giêsu cho nhân loại hôm nay. Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế. Chẳng có gì Ðức Maria được hưởng cách viên mãn, mà Hội Thánh và từng người lại không được dự phần. Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ. Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly. Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Kinh Mân côi đã trở nên quen thuộc với nhiều người Kitô hữu, đặc biệt đối với nhiều người Công giáo Việt Nam luôn có lòng yêu mến Đức Mẹ, điều này được thể hiện qua việc đọc kinh Mân côi hằng ngày. Hơn nữa, mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “kính mừng Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Lời kinh Mân côi muốn diễn tả với chúng ta biết bao điều tốt đẹp.
Kinh Mân côi là do chính Đức Mẹ ban cho thánh Đôminicô (thánh Đaminh) để truyền bá cho nhân loại. Mẹ nói trong các kinh nguyện chúng con dâng lên Mẹ thì không có lời nào đẹp lòng Mẹ cho bằng kinh Mân côi. Chính vì vậy, những ai lần chuỗi Mân côi của Mẹ, xin Mẹ điều gì thì Mẹ sẽ ban cho được như ý.
Chữ “mân côi” có nghĩa là “hoa hồng”, do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kính mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.
Sự hình thành chuỗi Mân côi có một lịch sử lâu dài. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm số kinh đã đọc. Đến thời Trung cổ, các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài Thánh vịnh mỗi ngày trong Giờ kinh phụng vụ. Nhưng có nhiều người không biết đọc và viết tiếng Latinh nên họ không hiểu và đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế. Để đếm các kinh ấy, người ta dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt kinh Lạy Cha.
Đến thế kỷ thứ 7, là thế kỷ khởi sắc của việc sùng kính Đức Mẹ, giáo dân bắt đầu phổ biến việc đọc 150 kinh Kính mừng thay cho 150 kinh Lạy Cha và gọi các kinh này là “sách Thánh vịnh của Đức Mẹ”. Sau cùng, các mầu nhiệm tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ theo Tân ước đã được thêm vào trước mỗi chục kinh Kính mừng.
Trước mỗi chục kinh Mân côi, suy niệm về một mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời của Chúa Giêsu hoặc mẹ của Chúa – Đức trinh nữ Maria. Và từ mầu nhiệm ám chỉ đến một chân lý của đức tin, không phải là điều gì đó khó hiểu, bởi đó cũng là một mầu nhiệm đối với tôi. Mười lăm mầu nhiệm được chia thành ba sự, mỗi sự có năm mầu nhiệm: Vui, Thương và Mừng. Khi mọi người nói về việc đọc kinh Mân côi, họ thường có ý nói đến việc đọc bất kỳ một nhóm năm mầu nhiệm nào mất khoảng mười lăm phút thay vì đọc hết cả mười lăm mầu nhiệm.
Vào ngày 16 tháng 10 năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư về Kinh Mân côi – Rosarium Virginis Mariae, trong đó Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm mầu nhiệm nữa được gọi là các mầu nhiệm Sáng. Ngài nói: “chuyển từ thời thơ ấu và cuộc sống ẩn dật ở Nazareth đến cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, sự chiêm nghiệm của chúng ta đưa chúng ta đến những mầu nhiệm có thể được gọi theo một cách đặc biệt là ‘mầu nhiệm ánh sáng’. Chắc chắn toàn bộ mầu nhiệm của Chúa Kitô là một mầu nhiệm ánh sáng. Ngài là ‘ánh sáng của thế gian’ (Ga 8,12). Tuy nhiên, sự thật này xuất hiện theo một cách đặc biệt trong những năm tháng cuộc đời công khai của Người, khi Người công bố Tin mừng về nước trời. Khi đề xuất với cộng đồng Kitô hữu năm khoảnh khắc quan trọng – những mầu nhiệm Sáng – trong giai đoạn này của cuộc đời Chúa Kitô, tôi nghĩ rằng những điều sau đây có thể được nêu ra một cách thích hợp: (1) Phép Rửa của Người tại sông Giođan, (2) Sự tự tỏ mình của Người tại tiệc cưới Cana, (3) Lời loan báo nước Thiên Chúa, với lời kêu gọi hoán cải, (4) Sự biến hình của Người, và cuối cùng, (5) Việc Người thiết lập bí tích Thánh thể, như là biểu hiện bí tích của mầu nhiệm Vượt qua” (số 21).
Cuối cùng, chúng ta hãy suy ngẫm những lời mà một linh mục đã nói rằng: “Do đó, kinh Mân côi đã phát triển thành một lòng sùng kính phong phú kết hợp việc cầu nguyện bằng lời với Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria với sự suy ngẫm về các sự kiện lớn của công cuộc cứu chuộc. Đó là một lời cầu nguyện đẹp lòng Đức Mẹ nhất, đặc biệt là khi lời chuyển cầu của Mẹ được cầu khẩn để bảo vệ Kitô giáo khỏi sự sai lầm. Vẻ đẹp của kinh Mân côi có thể được cầu nguyện với lòng sùng kính ngang nhau bởi những người Công giáo uyên bác nhất và ít học nhất. Thực vậy, Đức Mẹ Maria, trong các lần hiện ra tại Lộ Đức và Fatima, đã mời gọi tất cả chúng ta sử dụng phương pháp cầu nguyện tuyệt vời này một cách trung thành, là ‘hãy siêng năng lần hạt mân côi’”
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien