03.10.2024 – Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên
Lời Chúa: Lc 10, 1-12
“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: “Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Đức Giêsu sai các môn đệ của mình đi trước, từng hai người một, vào mọi thành phố và mọi nơi Ngài sẽ đến. Sứ mạng dọn đường này không dễ chút nào. Đức Giêsu biết rõ những hiểm nguy và chống đối đang chờ đợi họ. “Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” (c. 3). Chiên con trở nên hình ảnh của người môn đệ, yếu đuối, không có khả năng chống cự khi gặp sự tấn công hung hãn. Chính Đức Giêsu cũng là Chiên Con được Thiên Chúa sai đi. Chính Ngài cũng “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7). Người môn đệ được sai vào thế giới mãi mãi thấy mình mong manh, trước thế lực tưởng như không thể thắng nổi của sự dữ. Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều: không túi tiền, không bao bị, không giầy dép, dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình. Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác. Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận. Như thế là chấp nhận liên tục bấp bênh, liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ. Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn. Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc. Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8), cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7). Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12). Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8), thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện. Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần. Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối, khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe. Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị. Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay. Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần, với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh. Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng. Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố. Làm sao ta có can đảm nói về Nước Trời cho những người vô tín, và những người bị cuốn vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc ? Làm sao nói về Đấng Vô Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình ? Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống, như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung, và làm việc như một người thợ để phục vụ. Giáo Hội vẫn cần xin nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Thánh Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Tin mừng theo thánh Luca hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu sai nhóm 72 môn đệ, cứ từng hai người một, đi dọn đường trước cho Người, với sứ điệp loan báo “nước Thiên Chúa đã đến gần”. Trước hết, Chúa Giêsu chỉ thị cho các môn đệ, khi vào nhà nào thì hãy công bố: “bình an cho nhà này”. Sự bình an này giả thiết phải được chuẩn bị trước tiên nơi người môn đệ, qua chính thời gian đi theo, lắng nghe và tiếp nhận từ Thầy Giêsu. Đây như là hành trang căn bản và thiết yếu, thay vì cậy dựa hay bận tâm quá mức vào bảo đảm vật chất, khi phải “mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”; ngay cả những mối tương giao quen biết, khi cần “chào hỏi dọc đường”.
Hơn nữa, lời chào chúc của người được sai đi: “bình an cho nhà này”, vốn đi kèm trước đó với sự bảo đảm của Đấng đã mời gọi người môn đệ: “hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người”. Điều này nhắc nhớ người thừa sai về “tương quan lệ thuộc” với người đã sai đi. Ruộng lúa là của ông chủ, và chúng ta là những người diễm phúc được cộng tác vào mùa gặt của nước Thiên Chúa.
Hơn bao giờ hết, “con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (ĐGH Phaolô VI), tin vào cuộc sống hành động hơn là vào lý thuyết. Vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế rằng: “chứng từ của đời sống Kitô hữu là thể thức đầu tiên không thể thay thế của việc truyền giáo” (số 42), và hơn ai hết, Chúa Giêsu Kitô là một “chứng từ tuyệt nhất, và là mẫu mực cho tất cả mọi chứng từ Kitô giáo” (số 42). Như thế, mỗi Kitô hữu hãy không ngừng tìm kiếm, nuôi dưỡng và làm triển nở sự bình an cho tha nhân, “cho nhà này”, bởi đã biết họa lại hình ảnh và cuộc đời Chúa Giêsu Kitô nơi chính mình, nơi nhà của mình trước.
Cùng hiệp thông, “cầu nguyện cho sứ mạng được chia sẻ”, theo ý cầu nguyện tháng 10/2024 của Đức Giáo hoàng, xin cho mỗi Kitô hữu, trước tiên hãy là một “nghệ nhân” của sự bình an. Hầu chính “nước Thiên Chúa đã đến gần” đang hiện diện nơi đây và lúc này. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien