29.08.2024 – Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên: Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết
Lời Chúa:Mc 6, 17-29
“Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.
Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”. Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Ngày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác. Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại thì thật là khủng khiếp. Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người, máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở? Cô bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô. Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét? Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê. Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu. Hêrôđê Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục. Lý do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia. Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện, vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20). Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe. Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa. Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê: “Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)? Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn, hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực? Hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên? Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá. Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định.
Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng. Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26). Ông có thể rút lại lời đã nói không? Dĩ nhiên là có. Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm. Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận, sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ. Nói chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác. Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái, ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình. Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ. Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn. Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan. Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia. Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu. Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế. Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội. Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình. Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan. Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép Rửa. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con. Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Hoàng hậu Ideven của vua Akhap rước thần ngoại bang vào vương quốc Israel và bảo trợ cho các tư tế, phù thủy của tà thần, đuổi bắt các ngôn sứ của Thiên Chúa.
Ngôn sứ Êlia một mình chống lại các tư tế của thần dân ngoại. Sự chính trực của ông đã bị vua và hoàng hậu truy bắt đuổi giết, khiến thân phận ngôn sứ của Thiên Chúa thật gian nan, khốn khổ và luôn sống trong sự trốn tránh (1V 17-18).
Gioan – cái tên được Thiên Chúa đặt là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa – sự công minh chính trực của Gioan đã được ngôn sứ Isaia nói trước: “Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong bụng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi như gươm sắc bén, dấu tôi dưới bàn tay Người… biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49,1-2).
Sứ mạng ngôn sứ và ơn thánh đã nuôi dưỡng Gioan: “Cậu bé càng lớn lên, thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc 1,80). Vì thế, người quân tử này không sợ trước bất kỳ quyền lực nào, chỉ luôn biết sống trung tín và loan báo những gì mà Thiên Chúa muốn ông nói và làm.
Gioan bộc trực, thẳng thắn phê phán những quyền lực tôn giáo sống không đúng với chức danh (x. Mt 3,7), ông phê phán, đương đầu trực diện cả vương quyền khi họ thực hiện những điều bất nghĩa: Ông đã ngăn cản vua Hêrôđê cướp vợ của anh trai vua, chính vì thế, ông bị tống ngục; và Hêrôđia – người tình của vua – đã tìm cách ám hại ông (x. Mc 6,17-29).
Cái chết của Gioan là minh chứng cho sự trung thực thẳng thắn, là triều thiên tử đạo đổ máu đào cản ngăn những điều bất nghĩa bất nhân.
Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh và sự can đảm cho mỗi người chúng con để chúng con cũng trở nên chứng tá cho Chúa theo gương thánh Gioan Tiền Hô trong thế giới hôm nay. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien