06.08.2024 – Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên: Lễ Chúa Hiển Dung
Lời Chúa: Mc 9, 1–9
“Ðây là Con Ta yêu dấu”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Ðức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên núi cao, nơi đất và trời gần nhau, nơi thích hợp cho cầu nguyện. Lần cầu nguyện này thật khác thường. Ðức Giêsu biết mình đã bước vào một khúc quanh quan trọng. Ðau khổ và cái chết đang chờ Ngài (x. Mc 8, 31). Nhưng Ngài can đảm đón lấy trong tình yêu đầy hy vọng. Ðức Giêsu buông mình cho Cha trong sự vâng phục tín thác. Chưa bao giờ Ngài thấy mình là Con như bây giờ. Chính vào giây phút xuất thần ngây ngất này mà Ngài được Cha biến đổi hình dạng. Khuôn mặt Ngài chói sáng, y phục Ngài rực rỡ trắng tinh.
Hai nhân vật lớn của Cựu ước là Môsê và Êlia, đại diện cho Lề Luật và Ngôn Sứ, cho cả dòng lịch sử Ítraen, hiện ra trò chuyện với Ngài. Ðức Giêsu được Cha biến hình một cách bất ngờ. Ðây là hành vi ưu ái mà Cha dành cho Con, như một nâng đỡ trước khi Con bước vào cuộc khổ nạn. Chính Cha là Ðấng vén mở vinh quang thần linh của Con, vinh quang này bị che khuất khi Con sống phận người. Chính Cha hiện diện trong đám mây che phủ. Chính Cha giới thiệu Con và nhắn nhủ các môn đệ. Ðức Giêsu được Cha biến hình vì Ngài dám sống như Con thảo. “Ðây là Con Ta yêu dấu” thật là lời chuẩn nhận của Cha. Càng sống như Con thảo thì căn tính Ngài càng tỏa sáng. Vinh quang rạng ngời là vinh quang của người Con dấu yêu. Ba môn đệ ngỡ ngàng và kinh sợ. Phêrô muốn kéo dài mãi hạnh phúc bất ngờ này. “Ở đây thật tuyệt. Chúng con xin dựng ba lều…” Nhưng tiếng từ trời đưa ông về với thực tế: “Hãy nghe Người.” Hạnh phúc của núi cao không phải là trạm dừng. Ðây chỉ là một củng cố đức tin trước thử thách sắp đến. Ðiều quan trọng Cha nhắn nhủ là hãy nghe Người. Nghe những lời loan báo về số phận của Thầy và trò. Thầy sắp bước vào con đường hẹp. Trò cũng được mời đi vào con đường ấy.
Chiêm ngắm Thầy biến hình và muốn ở lại đó, là điều dễ. Vâng nghe lời Thầy là điều khó hơn nhiều vì lời đó đòi từ bỏ mình, vác thập giá, mất mạng sống. Có vẻ ba môn đệ không rút được nhiều ích lợi ngay từ sau kinh nghiệm độc đáo này (x. 2Pr 1, 16-18). Họ chỉ được chút hưng phấn chóng qua nhờ chiêm ngắm, nhưng lại không đủ sức trung tín theo Thầy đến cùng, để nhìn vào khuôn mặt đầy mồ hôi của Thầy trong Vườn Dầu, và khuôn mặt đầy thương tích của Thầy trên Núi Sọ. Chúng ta được làm người là để được biến hình. Cuộc biến hình diễn ra mãi cho đến ngày nhắm mắt. Nhờ nghe lời Ðức Giêsu và sống như Ngài mà thân xác, khuôn mặt, trái tim ta được biến đổi. Cuộc đời người Kitô hữu phải có khả năng tỏa sáng, nhờ sống như Con Cha và thực sự trở thành Con.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn sau mỗi lần gặp Chúa. Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng. Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong giáo lý đức tin: đó là biến cố biến đổi hình dạng của Chúa Giêsu tại núi Tabor, mà chúng ta gọi tắt là Chúa hiển dung. Câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê với ba môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê nhằm đưa chúng ta đi vào vinh quang tuyệt vời của Chúa Giêsu sau khi Người phục sinh khải hoàn. Bài Lời Chúa của thánh Luca hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu. Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu trên núi Tabôrê sẽ giúp chúng ta xác tín sâu xa gương mặt rạng ngời, uy nghi thánh thiện của Chúa. Thánh Luca là thánh sử duy nhất viết: “Đang lúc Chúa Giêsu cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác…” ( Lc 9,29 ). Gặp gỡ Chúa Giêsu, nhìn ngắm khuôn mặt sáng láng của Chúa, chúng ta như được biến đổi: biến đổi nội tâm, biến đổi cả thân xác vì rằng gặp được Chúa Giêsu, đức tin của chúng ta sẽ được củng cố vững chắc, lòng chúng ta hừng hực ấm lên, những gì chúng ta sử dụng hầu như cũng được biến đổi: “Y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” ( Lc 9,29 ).
Lời Chúa của thánh Luca thuật lại: “…có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia” (Lc 9,30). Đức Thánh cha Phanxicô đã mở Năm thánh Lòng Chúa thương xót. Ngài cho thấy nhân loại và mỗi người chúng ta phải thay đổi, phải nhìn vào Chúa Giêsu – Đấng giàu lòng thương xót – để nhận ra những yếu đuối, những vấp phạm của mình cần được thanh luyện để nhận ơn tha thứ của lòng Chúa xót thương. Một Phêrô chối Chúa ba lần, nhưng đã hối cải ăn năn, được Chúa yêu thương tha thứ; một Giakêu bị người Pharisêu và những người Do Thái kết án là tội lỗi, đã được Chúa ghé nhà, làm cho ông sám hối, trở về và qua đó, cả gia đình Giakêu cũng được ơn trở về… Giáo hội đang nao nức, nhiệt tâm sống lòng Chúa thương xót. Do đó, mỗi người chúng ta phải mau mắn đi tìm gặp Chúa Giêsu. Gặp Người, chúng ta tin tưởng Người sẽ biến đổi chúng ta.
Lên núi để gặp Chúa biến hình như ba môn đệ thân tín của Chúa khi xưa, ngày nay, chúng ta không có cơ hội như ba môn đệ. Tuy nhiên, lên núi là trở về cõi lòng thâm sâu của mình để như ngôn sứ Êdêkien đã thưa cùng Chúa: “Hãy tạo cho con quả tim trong sạch…”. Quả tim trong sạch, cõi lòng trong sạch là nơi Chúa ngự. Chúng ta phải đổi mới con tim, đổi mới cõi lòng. Chúng ta phải đổi mới tư duy, đổi mới suy nghĩ, đổi mới cái nhìn. Chúng ta chỉ có thể nhận ra người khác khi có con mắt sáng ngời của đức tin, có suy nghĩ tốt về người khác, miệng không thốt ra những lời độc địa, cay chua, nhưng chỉ nói những điều tốt lành. Cả đời sống chúng ta phải luôn dành giờ để gặp Chúa bởi vì chúng ta dễ nại nhiều lý do để lãng quên Chúa. Chúng ta phải dành nhiều giờ để cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã dành rất nhiều giờ để cầu nguyện. Cả cuộc đời của Người là lời cầu nguyện không ngừng. Người cầu nguyện trước khi chọn các tông đồ, cầu nguyện khi hóa bánh và cá, cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống. Có thể nói, Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngơi. Người gặp gỡ Chúa Cha… Chúng ta đã dành cho Chúa bao nhiêu giờ cầu nguyện trong ngày, trong đời?
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi chúng con, xin tăng thêm đức tin cho chúng con, xin tạo cho chúng con một trái tim mới, một cõi lòng mới, xin giúp chúng con biết nhận ra tiếng Chúa trong cõi thâm sâu tận đáy lòng và nhận ra Chúa đang hiện diện nơi mọi người. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien