29.07.2024 – Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên: Thánh Marta, Maria Và Lazarô
Lời Chúa: Lc 10, 38-42
“Con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, nhiều người Do Thái đến nhà Mácta và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Mácta đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Mácta thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Mácta thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật. Chúng ta dễ thấy là Thầy Giêsu nghiêng về cô em hơn. Mácta đón Thầy vào nhà trong tư cách là chị. Còn Maria sau đó là người tiếp Đức Giêsu. Maria thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe. Còn chị Mácta thì ngược lại. Hẳn là chị phải xuống bếp ngay để lo bữa ăn. Cuộc viếng thăm của Thầy Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ. Làm sao để đãi một số vị khách như thế? Đó là mối lo chính đáng của chị Mácta. Mácta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn. Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em. Rõ ràng là Mácta bị cuống lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp. Chị không muốn khách phải chờ đợi lâu, và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn. “Xin Thầy bảo em giúp con một tay !” Đó là ước mơ của Mácta, rất đỗi bình thường. Tiếc thay, Thầy Giêsu lại đang kể chuyện cho Maria, và cô này đang lắng nghe một cách thích thú (c. 39). Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy. Mácta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có. Chị quên rằng Thầy Giêsu không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn. Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.
Thầy Giêsu nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mácta. và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng. Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mácta, Mácta. Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá. “Chỉ cần một chuyện thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42). Thầy Giêsu không bảo rằng điều Mácta làm là điều không tốt. Chắc chắn Thầy và trò đều cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi. Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn. Vì thế Thầy sẽ không kêu cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị. Điều mà Maria đã chọn, chẳng ai có thể lấy đi. Chị Mácta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội. Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm. Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi, không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác. Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc. Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày. Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình. Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria. Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa; nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng. Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện. Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con. Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Ngôi nhà bé nhỏ tại làng Bêtania đón tiếp Chúa Giêsu ghé thăm, rộn rã tiếng cười nói của chủ lẫn khách. Nhà Bêtania được hồng phúc Chúa Giêsu cho người em Lazarô sống lại (x. Ga 11,1-44). Trong cuộc đón tiếp tại nhà Bêtania, Chúa Giêsu là khách quý, sự hiện diện của Người là tâm điểm cho mọi sự đón tiếp, Người cũng là hiện thân của tha nhân, Martha và Maria là mẫu gương của lòng hiếu khách.
Hai cách đón tiếp của Martha – người lo phục vụ bếp núc bữa ăn; và Maria – người lo tiếp chuyện. Cả hai bổ túc cho việc đón tiếp tha nhân một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chú trọng và yêu mến hơn cách đón tiếp của Maria vì đó là lắng nghe Lời Chúa, cũng là biểu lộ của sự quan tâm chia sẻ với khách. Người không phê bình cách tiếp đón của Martha, nhưng khen cách làm của Maria vì Người muốn nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh và tinh thần, đó cũng là cách đón Chúa tốt nhất nơi tâm hồn của mỗi người. Người cũng đã nhấn mạnh đến sự cảm thông chia sẻ tâm linh trong quan hệ giữa người với người, vốn dĩ nhân loại đã bỏ quên, chỉ quan tâm đến đời sống vật chất.
Chúng ta học nơi Maria và Martha: Đón Chúa đến viếng thăm nhà mình, chính Người cũng đồng hành với biết bao biến cố thăng trầm của cuộc đời. Chúng ta học nơi cách đón tiếp của hai chị em người làng Bêtania với tha nhân: Người phục vụ, người lắng nghe chia sẻ. Đặc biệt là tư thế đón tiếp của Maria làm cho khách vui lòng nhất, như tác giả sách “Đắc nhân tâm” viết: Là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy là tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ tâm tình, kiến thức, nhu cầu thiết thực của người, quý hơn cả cơm ăn áo mặc.
Phải chăng, thế giới hôm nay nếu mặc lấy tinh thần đón tiếp của của hai chị em làng Bêtania, con người sẽ thoát được những nghịch lý của văn minh thời đại: Hiếu khách – cô đơn, tri thức cao – không biết đi về đâu… Thời gian vui được sống – thời gian khủng hoảng đau khổ.
Thật thế, với tinh thần của Bêtania, chúng ta mở rộng tâm hồn đón Chúa vào nhà – ngôi nhà tâm hồn mọi người, ngôi nhà gia đình và cả ngôi nhà chung của nhân loại. Có Người là có nguồn tình yêu, tâm hồn mở rộng đón anh em, không chỉ là văn minh, ngọt ngào, lịch sự mà bằng tình yêu chân thành phục vụ, lắng nghe chia sẻ. Thiết nghĩ sẽ bớt sợ cảnh cô đơn, khủng hoảng vì sự chia sẻ của chính Thiên Chúa đang hiện diện, của tha nhân mang tâm tình giống như Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn mỗi người chúng con trở thành mái nhà Bêtania mới, rộn rã tiếng cười nói của lòng hiếu khách và niềm vui của khách viếng thăm. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien