25.07.2024 – Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên: Thánh Giacôbê Tông Đồ
Lời Chúa: Mt 20, 20–28
“Các con sẽ uống chén của Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì?” Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em. Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Xem ra chức quyền vẫn là nỗi thèm thuồng của con người. Từ những cuộc xung đột giữa con người sống bầy đàn thời nguyên thủy, đến cảnh chiếu trên, chiếu dưới ở làng xã và cảnh chạy chức chạy quyền thời bây giờ. Ngay các môn đệ thân cận của Thầy Giêsu là Nhóm Mười Hai cũng không thoát khỏi sức hút của quyền lực. Họ đã từng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 1). Bây giờ, ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn, họ lại có chuyện xích mích với nhau cũng về chuyện chức quyền. Hai con ông Dêbêđê là hai môn đệ được Đức Giêsu yêu quý hơn. Chẳng rõ có phải vì thế mà họ nuôi tham vọng chiếm được chỗ hai bên tả hữu của Thầy trong Nước Thầy (x. Mt 19, 28). Họ khéo léo nhờ mẹ của mình xin Thầy Giêsu ban cho ơn lớn đó (cc. 20-21). Đức Giêsu chắc không vui vì môn đệ vẫn chưa được giải thoát khỏi cái trần tục, “Các người không biết các người xin gì!” (c. 22).
Các môn đệ quá xa lạ với nẻo đường Thầy sắp đi, dù Thầy vừa mới cho họ biết con đường ấy, con đường bị chế diễu, bị đánh đòn và bị đóng đinh cho đến chết (Mt 20, 18-19). Trong khi hai môn đệ thân tín còn loay hoay với những tham vọng thế gian thì Ngài kéo họ vào hiệp thông với cuộc Khổ nạn gần đến của mình. Thầy Giêsu mời họ chia sẻ với Thầy cùng một chén đắng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (c. 22). “Thưa uống nổi”, đó là câu trả lời đầy tự tin và mạnh dạn của Giacôbê, Và ông đã thực hiện lời hứa này bằng cái chết (x. Cv 12, 2). Nhưng Thầy cũng khiêm tốn cho biết Cha mới có quyền sắp chỗ ngồi (c. 23). Sự bực tức của mười môn đệ kia khi câu chuyện vỡ lở cho thấy họ cũng thích được ngồi hai bên tả hữu, tuy không tiện nói ra (c. 24). Thầy Giêsu cho thấy cách sử dụng quyền lực của các nhà lãnh đạo ngoài đời. Quyền lực là để thống trị người dân, tìm cách bành trướng cái tôi của mình.
Thầy Giêsu khẳng định dứt khoát không có chuyện đó trong Giáo hội của Thầy. “Giữa anh em thì không được làm như vậy” (c. 26). Quyền lực và phẩm trật trong Giáo hội là để phục vụ dân Thiên Chúa. Những người làm lớn, làm đầu trong Giáo hội lại là người hầu bàn, người tôi tớ, noi gương Đức Giêsu, Người Tôi Trung. Chính Ngài đã đưa việc phục vụ đến mức cao nhất là hy sinh tính mạng (c. 28). Cơn cám dỗ về quyền uy, chức tước là cám dỗ muôn thuở cho mọi người. Các cộng đoàn Kitô hữu cứ phải xét mình mãi để khỏi rơi vào thói đời mà Đức Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến. Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em. Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các kitô hữu chúng con trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Lời Chúa hôm nay trình bày về quyền bính trong Giáo hội. Đối với Chúa Giêsu, quyền bính không được thiết lập để thống trị mà để phục vụ vô vị lợi. Nói rõ hơn, quyền bính trong Giáo hội nhằm để quy tụ và hiệp nhất tất cả những ai có lòng tin vào Chúa Giêsu. Noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội nỗ lực canh tân và hướng dẫn các Kitô hữu sống và hành động như “Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người’’. Như thế, quyền bính chỉ có giá trị khi phục vụ và dâng hiến cho người khác những gì tốt đẹp nhất từ kim chỉ nam: “Mình muốn người khác làm cho mình điều gì thì hãy làm cho người ta như thế’’.
Trước lời đề nghị của bà mẹ hai anh em nhà Giacôbê, Chúa Giêsu mới hiểu “những mơ ước hết sức con người” của các môn đệ. Qua đó, Người kịp thời điều chỉnh tâm thức của các ông cho phù hợp với lời mời gọi của sứ vụ tương lai. Sứ vụ bước vào con đường của Chúa Giêsu, con đường thập giá, con đường của hiến thân và phục vụ tha nhân: Chén đắng phải uống và phải hoàn tất. Tuy nhiên, chén đắng mà không đắng, đắng mà giã tật, đắng mà ngọt ngào, đắng mà nên thánh, nên nghĩa thiết với Thầy chí thánh. Cho nên, dù các môn đệ có nhiều va vấp, nhiều bất xứng, nhưng vẫn được Chúa Giêsu tin tưởng và trao sứ vụ cho.
Thánh Giacôbê không phải tự nhiên mà nên tốt lành. Nơi ngài đã bộc lộ rõ nét những khuyết điểm của con người như: tham vọng trần thế, kiêu căng, nóng nảy, muốn thiêu đốt những ai cản lối đi của mình. Nhưng nhờ tình Chúa Giêsu yêu thương dạy bảo, ngài đã trở thành người dám sống và chết vì Thầy mình. Nhờ thánh Giacôbê dám tỏ lộ với Chúa Giêsu tham vọng của mình, mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bài học về cách làm lớn trong nước Chúa.
Con người nói chung, cũng như mỗi chúng ta nói riêng, quyền bính vẫn là một thách đố không nhỏ. Điều này cần nghiêm túc nhìn nhận, vì sử dụng nó không đúng sẽ để lại hậu quả khôn lường cho mình và mọi người. Như đã biết, xã hội vì quyền lợi mà tranh dành, sâu xé lẫn nhau. Con người muốn thống trị người khác nên tìm mọi cách để đạt được vị thế mình muốn. Thế giới vẫn còn đó những quốc gia muốn bá chủ, muốn xưng hùng, xưng vương nên đã gây ra biết bao thảm họa chiến tranh, chết chóc, đói khát, bệnh tật, của cải… Vì lẽ ấy, Chúa Giêsu muốn chúng ta dùng quyền bính để phục vụ lẫn nhau, để xây dựng công ích và phát triển thế giới đi vào trong trật tự, đạt đến tầm mức viên mãn như Thiên Chúa muốn.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của thánh Giacôbê, xin giúp chúng con cam đảm theo Chúa, dám “uống chén” của Thầy, để chúng con được nên giống Chúa. Theo Chúa hôm nay, là biết mê say Tin mừng, là theo gương Chúa khiêm tốn phục vụ anh em. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien