11.6.2024 – Thứ Ba Tuần X Thường Niên: Thánh Barnaba Tông Đồ
Lời Chúa: Mt 10, 6 -13
“Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc; vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con”.
Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Chúng ta không rõ Thầy Giêsu đã sai các môn đệ lên đường sau thời gian họ sống với Ngài bao lâu. Nhưng chúng ta biết chắc là Thầy có sai các môn đệ. Thầy sai họ đi để làm những việc Ngài đã và đang làm (Mt 9, 35), như rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, chữa bệnh, trừ quỷ (c. 8a). Như thế họ trở nên những cộng sự viên của Ngài trong cùng một sứ vụ. Thầy Giêsu không độc quyền trong công việc. Ngài cũng không giữ riêng cho mình quyền trên các thần ô uế (Mt 10,1). Việc chia sẻ quyền và mời gọi cộng tác đã có từ thời Thầy Giêsu, và vẫn kéo dài trong Giáo Hội. Lời dặn dò của Đức Giêsu trước khi sai họ đi đã đánh động nhiều tâm hồn, đặc biệt những vị sáng lập các dòng tu. Đặt mình vào bối cảnh vùng Galilê cách đây gần hai mươi thế kỷ, chúng ta mới hình dung được khuôn mặt của những vị tông đồ đầu tiên.
Trước hết họ được sai đến với chính đồng hương của họ, “những chiên lạc nhà Israel”, vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9, 36). Loan báo Tin Mừng là lên đường, đường đất đá hay đường núi đồi, và đi bằng đôi chân của mình, không giày dép. Những bước chân nhẹ nhàng vì hành trang chẳng có gì. Thắt lưng chẳng mang tiền vàng, bạc, đồng, để dùng khi hữu sự. Cả những điều một người lữ hành thường có cũng không: một bao bị, một cái áo dự phòng, một cái gậy để chống khi đi đường xa. Người tông đồ được đặt ở trong tình trạng bấp bênh, không chỗ dựa. Chỗ dựa duy nhất của họ là lòng tốt của Thiên Chúa, được thể hiện qua lòng tốt của người đón nghe Tin Mừng.
Chuyện ăn, chuyện ở, họ đều phải tin tưởng phó thác (cc. 10b. 11). Hành trang nhẹ nhàng, tâm hồn nhẹ nhàng, nên các tông đồ cũng thi hành sứ vụ một cách nhẹ nhàng, thanh thoát. Họ làm mọi sự mà chẳng đòi hỏi gì (c. 8b). Vừa rao giảng Tin Mừng rằng Nước Trời đã đến rồi, vừa minh chứng Tin Mừng ấy bằng bao niềm vui đem đến cho người khác. Bệnh nhân được khỏi, người chết sống lại, người phong được sạch, và nhất là ma quỷ không còn chỗ cư ngụ trong lòng con người (c. 8a). Bình an là lời chúc trên môi dành cho mọi căn nhà họ đến ở (c. 12). Rõ ràng hành trình truyền giáo là một kinh nghiệm đầy ắp niềm vui hứng khởi, cho đoàn chiên và cho chính các tông đồ. Nếu Thầy Giêsu dặn dò các tông đồ hôm nay, Ngài sẽ nói gì? Ngài sẽ bảo chúng ta đừng mang gì và nên làm gì cho con người hôm nay? Chắc Ngài cũng sẽ khuyên hãy nhẹ nhàng hơn, phó thác hơn, vô vị lợi hơn. Thế giới hôm nay vẫn yếu đau và bị ám như cách đây hai ngàn năm. Thế giới hôm nay vẫn chờ một Tin Vui, một lời chúc Bình an. Chúng ta vẫn được mời gọi để làm điều Ngài và các môn đệ đã làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần. Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
Lắng nghe đoạn Tin mừng trong ngày lễ kính thánh Barnaba tông đồ hôm nay, chúng ta nhận ra chân dung của người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng và với sự bình an của Chúa trong tâm hồn, thể hiện cụ thể bằng tinh thần khó nghèo, sẵn sàng rảo bước đem nước Chúa đến cho mọi người.
Trong thời đại mà người ta thường cho rằng: “Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”, nên tìm cách này cách khác dùng tiền để cho được việc, đâu có ngờ đó lại là một cánh cửa cho sự tham lam tham ô tràn lan. Nhận thấy trước những ảnh hưởng của vật chất có thể xảy ra làm chệch hướng đi của người môn đệ, nên Chúa Giêsu căn dặn người thực thi sứ vụ Chúa trao trước tiên hãy dựa vào ơn Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Cần phải có ơn Chúa làm nội lực để có được sự bình an, thanh thoát trong tâm hồn mới có thể không ngại khó ngại khổ để loan báo Tin mừng của Chúa cho người cần được đón nhận.
Thánh Barnaba mà chúng ta mừng kính hôm nay có tên là Giuse, gốc Do Thái, sinh trưởng tại đảo Síp. Ngài loan báo Tin mừng Chúa Giêsu bằng cả tinh thần nhiệt huyết, và đã đón nhận phúc tử đạo bị ném đá tại Salamis. Với tính tình tốt lành, mềm dẻo trong cư xử và đầy tình cảm, đầy Thánh Thần và lòng tin, thánh nhân được các tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại rằng, ngài được nhận là tông đồ, dầu không thuộc nhóm Mười hai, do Thánh Thần phán bảo các ông rằng: “Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định”.
Thánh Barnaba được cử tới Antiôkia vào khoảng năm 42. Là một người có uy tín, ngài đã tới Tarsô tìm Saolô là người mà sau đó được gọi là Phaolô, một con người từng bách hại Kitô giáo cách khốc liệt. Barnaba đứng ra bảo lãnh cho Phaolô để cùng Phaolô giảng dạy tại Antiôkia một năm cho dân chúng ở đó. Sự thành công của Barnaba không thể nào quên kể tới đó là chính tại Antiôkia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là “Kitô hữu”. Barnaba còn đón nhận những giới hạn của Marcô, vượt qua sự loại trừ để hướng dẫn Marcô trở nên môn đệ nhiệt thành, sau là tác giả cuốn Tin mừng thứ II, viết cho tín hữu gốc lương dân sống tại Rôma.
Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta cũng trở nên người môn đệ của Chúa. Với tên gọi “Kitô hữu”, ta cũng cần ý thức bổn phận nói về Chúa cho mọi người theo gương thánh Barnaba, với cung cách hiếu hòa, lòng kiên nhẫn và sự nhiệt thành. Rồi chúng ta sẽ nhận ra có những điều Thiên Chúa thực hiện vượt lên trên giới hạn của con người khi người ta đặt niềm tin vào Chúa.
Lạy Chúa, chính các tông đồ là những người lãnh nhận ơn Chúa và tình yêu của Người cách nhưng không, các ngài cũng quảng đại dùng trọn đời mình trao ban như vậy. Xin cho mỗi người chúng con cũng can đảm loan báo tình yêu cứu độ của Chúa cho anh chị em, để nơi môi trường chúng con sống, trong gia đình, xứ đạo, trường học, nơi làm việc và ngoài xã hội đều trở thành nơi tình yêu Chúa được hiển trị. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien