21.05.2024 – Thứ Ba Tuần VII Thường Niên
Lời Chúa: Mc 9, 30-37
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu, các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau. Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia. Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33). Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục. Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường, nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian. Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm. Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường. Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện: “Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34), Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói. Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35), gọi Nhóm Mười Hai lại – nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội – và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người và làm người phục vụ cho mọi người (c. 35)
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người. Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực. Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn. Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa. Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như Ngài đã sống: “Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27). Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình. Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm. Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn. Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài. Xin tha thứ cho con vì đã quá bận tâm đến những điều mình nói, đến ảnh hưởng của mình, đến những điều người ta nói và nghĩ về con. Xin tha thứ cho con vì muốn nên giống kẻ khác mà quên mất chính mình, vì khao khát có được những đức tính của họ, mà quên phát triển bản thân. Xin tha thứ cho con vì đã mất nhiều thời gian cho việc phô trương hơn là cho việc xây dựng bản thân. Xin cho con biết cởi mở với anh em ; nhờ đó, Chúa có thể đến với con như đến với một người bạn.Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người” mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài vì con là con của Chúa và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Tại sao Chúa Giêsu lại muốn không cho ai biết Người và các môn đệ đang hành trình qua miền Galilê vào thời điểm đó? Có vẻ như lý do là Chúa Giêsu đang tập trung vào việc dạy các môn đệ về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh sắp đến của Người. Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta ba thời điểm, trong đó Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ một cách riêng tư, trực tiếp và rõ ràng: thứ nhất, trong khi các ông đang hành trình; thứ hai, khi họ đến Capharnaum và bước vào một ngôi nhà; và thứ ba, khi Chúa Giêsu gọi một em bé lại. Mặc dù nội dung những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người rất quan trọng, nhưng trước tiên cũng hữu ích khi suy ngẫm về sự kiện đơn giản là Chúa Giêsu đã dành thời gian một mình với các môn đệ để dạy dỗ họ.
Trong nhiều cách, Chúa Giêsu cũng làm như vậy với chúng ta. Chúa Giêsu liên tục mời gọi chúng ta đến với Người bằng nhiều hình thức cô tịch khác nhau để có thể lắng nghe tất cả những gì Người muốn dạy chúng ta. Đây là điều khó khăn đối với nhiều người ngày nay. Rất nhiều người thường xuyên bị tấn công bởi những tiếng ồn khác nhau của thế giới, thường xuyên bị phân tâm bởi những trải nghiệm nhất thời và thoáng qua, và cảm thấy khó có thể đi một mình với Chúa Giêsu để Người có thể dạy họ những bài học quan trọng nhất của cuộc sống.
Nhìn lại các hoạt động hằng tuần của mình, chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ở một mình với Chúa? Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để cầu nguyện, đọc Kinh thánh và suy niệm trong thinh lặng, tránh xa những phiền nhiễu khác? Đối với nhiều người, đây là một thách thức.
Chúa Giêsu muốn kéo chúng ta vào thinh lặng và cô tịch với Người. Người muốn dành thời gian riêng cho chúng ta. Điều này đặc biệt đúng đối với những người đã chọn cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Người và sứ mệnh của Người. Nếu đó là tôi, hãy tìm kiếm những giây phút cô tịch này, trong đó, Chúa Giêsu có thể nói rõ ràng và trực tiếp hơn với tôi, để đức tin của tôi sẽ sâu sắc hơn và sự hiểu biết cũng như kiến thức của tôi sẽ tăng trưởng nhảy vọt.
Lạy Chúa, Ngài có rất nhiều điều để nói, rất nhiều điều để dạy và rất nhiều điều để mặc khải. Xin Chúa lôi kéo con vào sự thinh lặng và cô tịch nhiều hơn để con có thể nhận được từ Chúa những thông điệp sâu sắc, rõ ràng và trực tiếp mà con cần được nghe, hiểu và tin. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien