02.05.2024 – Thứ Năm Tuần V Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 15, 9-11
“Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Kitô giáo gắn liền với thánh giá. Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá. Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh, mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu, từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang. Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát, nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn. Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo. Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình: “Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11). Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn. “Con nói những điều này lúc còn ở thế gian để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13). Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24). Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ. Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.
Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình, và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này, bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ. Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến, “nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn, vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy. Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy, Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b). Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy, để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a). Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha, nên ai giữ lệnh Thầy truyền cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con. Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn. Và con người tưởng mình có thể tìm được bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình. Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ. Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu! Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy! Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu. Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười, nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa. Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân. Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng. Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh. Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại. Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều màu hồng. Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con. Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Khi ai đó yêu bạn, thì bạn là người may mắn. Bạn không còn là sự lựa chọn của người kia nữa mà bạn là sự ưu tiên của họ. Cái gì bạn cũng được nghĩ đến trước. Vị trí của bạn trong lòng họ luôn hàng đầu. Khi tình yêu đủ lớn để như thế, đi đâu, làm gì hay ở bất kỳ đâu, bạn không chỉ ở lại trong tâm trí của họ, mà chính toàn thể con người của bạn với hữu thể đó, ở trong trái tim của họ.
Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, và “Thầy giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài”. Ở đây, có thể thấy một cấu trúc so sánh dựa trên mối quan hệ bắt cầu mà Chúa Giêsu làm trung gian, khiến chúng ta liên tưởng đến sự gần gũi đất với trời, hoà quyện với nhau nơi Chúa Giêsu.
“Ở lại trong tình yêu”, chúng ta cần lặp đi lặp lại cụm từ này, đọc đi đọc lại nhiều lần và tự vấn với chính mình: Tôi có ở lại trong tình yêu của Chúa không? Tôi có trung tín (tuân giữ) các giới răn của Chúa không? Mà giới răn của Chúa cũng chỉ là sống tình yêu: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Tương quan “ở lại trong tình yêu” của Chúa Giêsu và Chúa Cha thì không có gì để phân tích, vì như Chúa Giêsu đã nói “Ta và Cha là một”. Tình yêu làm cho Người và Cha nên một. Liệu sự trung tín, tình yêu cũng là giới luật có làm cho tôi nên một với Chúa Giêsu không?
Lạy Chúa, được ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng con thật hạnh phúc biết bao. Xin giúp chúng con luôn trung tín trong tình yêu, luôn biết lấy đức ái làm đầu trong mọi công việc và cuộc sống chúng con. Amen.