27.04.2024 – Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 14, 7-14
“Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5), thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8). Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào, bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do-thái không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20). Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng. Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người. Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9). Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do-thái, sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình. Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời. Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài : “Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11) Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói. Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm. “Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (c. 10). Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha. Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu. “Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12). Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng. Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang. Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế, chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm : trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40). Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng. Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin, vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài. Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Lời Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn. Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Augustinô)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Có lẽ, đôi lần chúng ta đã từng nghe hoặc ngâm nga câu hát: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (Bài hát Một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Ấy là khi, ta đang cảm thấy cuộc sống đầy mệt mỏi, loanh quanh. Lắm lúc lại rơi vào bế tắc, thất vọng hay áp lực bủa vây tứ phía. Đặc biệt, giữa lối sống hiện đại hôm nay, mọi nhu cầu vật chất dường như đều được đáp ứng. Đa số các gia đình không còn phải nghĩ đến chuyện ăn no mặc ấm như xưa nhưng là làm sao ăn ngon, mặc đẹp, thậm chí là chơi vui… Tuy nhiên, cùng với đó là những áp lực về thời gian, công việc, học hành, các mối tương quan… dường như làm chúng ta mất đi tự do, phương hướng và lạc lõng. Bởi lẽ, chúng ta không biết mình đang đi về đâu và thực sự muốn điều gì.
Giữa những xô bồ như thế, một lần nữa lời xin của vị tông đồ Philipphê trong Tin mừng hôm nay như thức tỉnh chúng ta: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Chúa Giêsu đã đáp lời ông và Người cũng nói với chính chúng ta hôm nay: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Trong ngôn ngữ giới hạn của con người, chúng ta gọi Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha. Nhưng mầu nhiệm Nhập thể thì cao cả, vượt xa trí hiểu của chúng ta vì Chúa Giêsu không chỉ là hình ảnh nhưng là MỘT với Chúa Cha. Điều ấy nghĩa là Thiên Chúa vô hình nay đã trở nên hữu hình bằng xương bằng thịt như chúng ta để chúng ta có thể “chạm” tới Người và trở nên giống Người. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là con đường đưa chúng ta đến cùng đích là Chúa Cha. Vì quả thật, chân lý hoàn hảo và sự thiện tối cao chỉ có nơi Thiên Chúa, và chúng ta chỉ đạt được hạnh phúc viên mãn trong Ngài mà thôi. Một khi nhận Thiên Chúa là cùng đích thì hạnh phúc đạt được không chỉ giới hạn trong cõi đời chóng qua này, mà còn cho linh hồn của chúng ta. Ai nhận Thiên Chúa làm cùng đích cuộc đời sẽ có được bình an mà thế gian này không thể ban cho cũng như không thể hủy diệt được.
Khi đã chọn Thiên Chúa làm cùng đích thì chính Ngài là khuôn mẫu để trong đời sống mỗi ngày, chúng ta nên giống Chúa hơn. Vì quả thực, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: “Ngay từ bây giờ, anh em đã biết Ngài và đã thấy Ngài”. Cho nên, cuộc sống hiện tại là sự chuẩn bị để được sống hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha. Chỉ khi nào cuộc sống của chúng ta quy chiếu về Thiên Chúa, chúng ta mới đánh giá đúng mức được giá trị của các công việc và tương quan hằng ngày: đâu là việc tốt, điều nào là đúng, là sai, ai là người đem lại bình an, đâu là người ta cần lo lắng cho họ… Điều quan trọng là chúng ta để cho Chúa Giêsu một chút thời gian và cơ hội để Người có thể can thiệp vào các quyết định và đời sống của chúng ta. Để Người dạy chúng ta duy trì và phát triển mối liên hệ yêu thương với gia đình, bạn bè, và mọi người. Khi biết loại bỏ tính ích kỷ của chính mình thì mỗi người mà chúng ta gặp gỡ, mỗi sự việc hay mỗi thụ tạo, đôi khi cả những áp lực hay điều không may lành… cũng trở thành cơ hội giúp chúng ta mỗi ngày nên giống Chúa hơn.