25.04.2024 – Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh: Thánh Marcô, Tác Giả Sách Tin Mừng
Lời Chúa: Mc 16, 15-20
“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng”.
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ống, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Marcô, tác giả sách Tin Mừng. Ngài thường được coi là người viết cuốn sách Tin Mừng đầu tiên. Ngài đã thu tập những tài liệu có trước, rồi sắp xếp lại thành một câu chuyện. Marcô muốn kể một câu chuyện lý thú về Đức Giêsu. Dù khả năng viết tiếng Hy lạp của ngài không thuộc loại giỏi, nhưng bù lại, ngài là một nhà kể chuyện có tài. Ngài cho chúng ta một khuôn mặt Đức Giêsu rất sống động và rất người. Đức Giêsu ấy biết giận dữ, biết xao xuyến, biết ngạc nhiên như người khác. Marcô đã cầm bút viết tác phẩm của mình về Thầy Giêsu trong một giai đoạn đen tối của Giáo hội sơ khai. Vào năm 64, bạo chúa Nêrô đốt thành Rôma và đổ tội cho các kitô hữu. Cuộc bách hại dữ dội bắt đầu tại Rôma. Vậy mà tại nơi ấy, giữa thời điểm căng thẳng ấy, Marcô viết sách Tin Mừng dành cho những kitô hữu không phải là người Do Thái. “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1): Marcô đã bắt đầu tác phẩm của mình như thế.
Sách này thật là Tin Mừng nâng đỡ các tín hữu bị chao đảo bởi bách hại. Đức Giêsu vác thánh giá mời gọi người ta trung tín bước theo Ngài. Ngài đã chết nhưng hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê sau khi Ngài phục sinh. Bài Tin Mừng hôm nay, tuy không phải do thánh Marcô soạn thảo, nhưng lại hợp với ngày lễ mừng thánh nhân. Đấng sống lại kêu gọi nhóm Mười Một đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng. Đó là Tin Mừng về Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng nay được phục sinh, được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (c. 19). Các tông đồ đã vâng lời, đi rao giảng khắp nơi. Chúa lên trời nhưng Ngài vẫn cùng làm việc với họ như xưa. Ngài giúp họ có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, nói những thứ tiếng mới. Ngài bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy do rắn rít hay thuốc độc (cc.17-18). Giáo Hội hôm nay cần nhiều kitô hữu say mê rao giảng Tin Mừng. Trên quê hương vẫn còn nhiều nơi vắng tiếng chuông nhà thờ buổi sáng. Marcô đã kể chuyện về Giêsu bằng ngòi bút, viết trên giấy da hay giấy cói. Chúng ta có nhiều phương tiện nhanh hơn, rộng hơn, để kể chuyện về Giêsu.
Làm sao để Giêsu đến gặp con người qua internet, sách báo, phim ảnh…?
Làm sao để cuộc đời chúng ta trở thành một cuốn sách Tin Mừng để ai đọc cũng gặp được Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới. Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Một mình Chúa Giêsu cũng có thể rao giảng Tin mừng. Người quyền phép, chỉ cần một lời Chúa phán thôi còn mau lẹ hơn sức người yếu đuối có thể làm. Vậy tại sao Chúa lại cần đến sự cộng tác của con người? Điều đó cho thấy việc rao giảng Tin mừng không phải là cho Thiên Chúa mà là cho con người – cả người rao giảng lẫn người đón nhận. Chúa muốn con người không chỉ nghe Tin mừng, không chỉ rao giảng Tin mừng mà còn phải trở nên Tin mừng.
Rao giảng Tin mừng cần đi “tứ phương”, nghĩa là không loại trừ một chỗ nào cả, dù đó là thành thị hay nông thôn, dù đó có ít người hay nhiều người, thậm chí Chúa Giêsu còn đến cả những nơi nguy hiểm cho tính mạng của mình. Nhưng như Nguyễn Bá Học đã từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Cho nên, con đường hiểm trở nhất vẫn là con đường của lòng người. Ngày nào ta chưa dám đem Tin mừng của Chúa đến với từng ngóc ngách trong đời sống thì ngày đó ta chưa được gọi là người môn đệ của Chúa.
Rao giảng Tin mừng cần đến với “thiên hạ”, nghĩa là đến với mọi người không loại trừ một ai, dù đó là người quen hay người lạ, dù đó là người từng giúp ta hay chưa một lần quen biết, thậm chí Chúa Giêsu còn đến với những người từng thù ghét Người. Không có gì nối kết con người gần với nhau và bền chặt cho bằng đức tin. Chính sự tin tưởng vào Tin mừng và vào tình yêu thương của Thiên dành cho mỗi người mà mình càng xác tín mọi người là anh chị em của nhau hơn. Chính sự tin yêu dành cho Chúa là lý do để người ta tôn trọng phẩm giá và đỡ nâng nhau trong cuộc sống. Bởi lẽ, thánh Gioan từng nói rằng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết đón nhận Tin mừng của Chúa, đón nhận lời của Người vào trong tâm hồn để rồi mình cũng có thể tặng trao cho anh chị em mình. Và lời rao giảng thiết thực nhất vẫn là cung cách sống đạo hằng ngày của mỗi người, bởi lẽ, “lời nói thì lung lay gương lành thì lôi kéo”.