24.04.2024 – Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 12,44-50
“Ta là sự sáng đã đến thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Tự do là điều con người trân trọng. Bao người dám chết để đổi lấy một chút tự do. Các bạn trẻ thèm được tự do, để được là mình. Người ta vẫn hiểu người có tự do là người muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, không bị bất cứ ràng buộc nào. Nếu thế thì Đức Giêsu có tự do không? Đức Giêsu có tự do không, khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định: “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, phải tuyên bố gì” (c. 49)? “Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50). Ngài có tự do không, khi Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc, vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29). Bao nhiêu lần trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết Ngài không tự mình nói gì, cũng không tự mình làm gì. Ngài chỉ sống theo lệnh truyền của Cha (Ga 15, 10). Lệnh truyền này không áp đặt Ngài từ bên ngoài, nhưng chi phối sâu xa từ bên trong toàn bộ hướng đi và những chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế. Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý Cha, lệnh truyền của Cha. Chính khi hoàn toàn để Cha chi phối, mà Ngài được tự do thật sự. Chính khi đó Đức Giêsu trở thành sự hiện diện trong suốt của Cha. “Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai tôi” (Ga 12, 45; 14, 9). Lời của Ngài là lời của Cha, việc Ngài làm là việc của Cha. Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu, Đấng đã dâng hiến tất cả tự do để sống hoàn toàn tùy thuộc. Chính khi hoàn toàn tùy thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do. Người được sai là một với người sai mình. “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng và ra khỏi những bóng tối (c.46). Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu (cc. 47-48). Chỉ khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật và sự thật sẽ cho chúng ta được tự do (Ga 8, 31-32).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh Dâng Hiến Của Thánh Inhaxiô)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Thánh sử Gioan sau khi đã trình bày kết luận về sứ vụ của Chúa Giêsu ở đoạn Tin mừng hôm qua, thì hôm nay, ngài trình bày cho về tám giáo huấn của Chúa Giêsu trước khi Người lên Giêrusalem để chịu khổ nạn.
Khi trình bày, Đức Giêsu không hề có ý tìm cách lôi kéo mọi sự về cho mình nhưng Người luôn trao nhường cho Chúa Cha – Đấng đã sai Người xuống trần gian thi hành sứ mạng cứu chuộc nhân loại; và Người thường khẳng định rằng, mình chỉ là kẻ được sai đến mà thôi.
Chúng ta thấy, tính khả tín của niềm tin tùy thuộc rất nhiều ở thế giá của người loan tin, của người làm chứng. Khi truyền cho sóng gió yên lặng, các tông đồ đã phải thốt lên “Người là ai mà cả sóng gió cũng phải vâng nghe” (Mc 4,41), và hết thảy họ đều tin vào Người. Ở đây, Chúa muốn mọi người hiểu rằng, niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô không phải chỉ là tin vào quyền năng và thế giá của “con người Giêsu” nhưng chính là tin vào Chúa Cha – Đấng vẫn hằng hiện diện nơi Người.
Hơn nữa, niềm tin vào Thiên Chúa không dừng lại chỉ ở đời sống cầu nguyện không thôi, nhưng còn đòi hỏi phải được biểu lộ qua những thái độ, hành động, cung cách ứng xử cụ thể nơi cuộc sống thường ngày nữa. Và những kẻ không sống niềm tin vào Đức Kitô thì hậu quả là họ đã tự hủy hoại và tự kết án chính mình.
Mẹ Têrêsa đã kể câu chuyện như sau: có một thiếu nữ xin gia nhập Dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi. Chúng tôi có một quy luật là ngày đầu tiên, khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ như sau: “con nhìn thấy vị linh mục dâng thánh lễ, con đã thấy ngài chạm đến Thánh thể với sự chăm chú và yêu thương dường nào, con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà hấp hối, bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong thân thể những người anh em khốn khổ đó”.
Quả thật, Đức Giêsu không những chỉ muốn chúng ta gặp gỡ Người nơi bí tích Thánh thể mà Người còn muốn chúng ta gặp gỡ Người qua tất cả mọi sinh hoạt và cảnh huống khác nhau trong cuộc sống nữa.
Như thế, bàn thờ trong thánh đường và bàn thờ của cuộc sống phải là một. Đức tin của chúng ta không chỉ thể hiện trong nhà thờ nhưng còn phải được tuyên xưng giữa phố chợ. Từng giây từng phút của chúng ta phải trở thành cuộc gặp gỡ với tha nhân, đặc biệt là với những người hèn kém, phải là một cuộc gặp gỡ với chính Đức Giêsu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con – những môn đệ của Chúa – luôn biết trung thực phản ánh chính Lời Chúa qua ngôn ngữ và hành động của mình. Nhờ đó, chúng con mới có thể đảm bảo được giá trị của niềm tin mà mình đang rao giảng cho anh chị em mình. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con sống đúng với căn tính đã lãnh nhận. Amen.