22.04.2024 – Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 10, 1-10
“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.
Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới. Đức Giêsu là người mục tử chăn chiên. Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy, Ngài đến để chiên có sự sống, và có một cách dồi dào (c. 10). Hãy nhìn những nét đặc trưng của người mục tử đích thực. Anh đi vào ràn chiên hay chuồng chiên bằng cửa, đường đường chính chính, chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2). Người giữ cửa quen anh và mở cửa cho anh. Chiên cũng quen anh và quen tiếng của anh. Tiếng của anh là dấu hiệu quan trọng để chiên nhận ra và phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5). Chiên nghe tiếng của anh (c. 3). nhưng không nghe tiếng người khác (c. 8). Anh trìu mến gọi tên từng con, vì anh biết rõ chiên của mình. Khi dẫn chúng ra ngoài chuồng, anh đi trước dẫn đường, chúng yên tâm theo sau chứ không chạy trốn, vì chúng biết mình đang đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu. Rõ ràng có sự hiểu nhau, gần gũi giữa chiên và mục tử. Nhưng Đức Giêsu không chỉ là Mục tử chăn chiên. Ngài còn tự nhận mình là Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa. Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử.” Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn. Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống. Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào mới được cứu độ. Ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9). Cửa Giêsu cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật. Mục tử giả sẽ không dám đến với chiên qua Cửa Giêsu. Mong sao cho Giáo Hội có nhiều mục tử gần gũi với chiên, biết gọi tên từng con chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc. Và mong sao chiên có khả năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhận mình là Tấm Bánh, vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con. Chúa nhận mình là Cây Nho, vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống. Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành, vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ. Chúa nhận mình là Cửa, vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời. Chúa nhận mình là Con Đường, vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha. Chúa nhận mình là Ánh sáng, vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này. Chúa nhận mình là Sự Thật, vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa. Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại, vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi. Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con, và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa. Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Tin mừng của ngày thứ Hai hôm nay tiếp tục trang Tin mừng Chúa nhật thứ IV Phục sinh hôm qua, trình bày chân dung Chúa Giêsu – Vị Mục tử nhân lành. Một Mục tử nhân lành với thái độ nhân từ, biết gọi tên và chăm sóc từng con chiên theo đặc điểm và hoàn cảnh của nó, rồi đưa đoàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, để cho chiên được ăn uống no nê và nghỉ ngơi bổ sức. Vị Mục tử nhân lành này còn vượt quá mọi chờ đợi của các con chiên khi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Nhưng tại sao phải hy sinh đến cả mạng sống như thế?
Đứng trước mối nguy hiểm mất mạng hay sắp bị “tan đàn xẻ nghé” thì ai sẽ là người dám tìm mọi cách để bảo vệ đoàn chiên nếu không phải là chủ chiên chính danh. Đó là người biết và yêu chiên như yêu chính mình, nghĩa là xem mỗi con chiên trong một tương quan “thuộc về” mình, thậm chí là đồng hóa chiên với mình. Con chiên ấy là mỗi Kitô hữu, mang chính hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Nhất là qua mặc khải của Chúa Giêsu hôm nay – Người là Mục tử nhân lành dám hy sinh mạng sống mình vì sự hiểu biết hỗ tương với đoàn chiên – được khởi đi từ tương quan cá vị và mật thiết giữa Người với Chúa Cha. Có thể nói Người yêu đoàn chiên đến nỗi hiến mạng như chính Chúa Cha đã yêu Người (x. Ga 10,15.18; 15,13.15). Phải chăng tương quan hiệp thông này chuẩn bị con đường hiến mình của Người trên thập giá và mời gọi môn đệ Chúa bước theo: “ Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em ” (Ga 15,12). Yêu thương như chính Thầy đã hiến mạng vì anh em là bạn hữu Thầy.
Mầu nhiệm Vượt qua và sự hy sinh chính bản thân của Chúa Giêsu Mục Tử không thể tách rời sự tái sinh hôm nay nơi tư cách người môn đệ Chúa, những con chiên đã và đang được nuôi dưỡng bởi Lời hằng sống và Bánh trường sinh của Người. Cử hành sống động mầu nhiệm Phục sinh là để chính tương quan “được yêu thương” của người môn đệ Chúa ngày càng thêm chín chắn, thúc đẩy họ biết sống cho đi, đến nỗi “ hy sinh mạng sống mình ” cho tha nhân, cho danh Chúa được nhận biết và tôn vinh.
Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành, xin hướng dẫn và chúc lành cho những vị mục tử đang chăm sóc, dẫn dắt chúng con; và giúp mỗi chúng con cũng luôn biết trở nên những con chiên hiền lành, biết can đảm bước đi trong ngôn ngữ “ hy sinh mạng sống mình ” như chính Mục Tử Giêsu. Amen.