09.04.2024 – Thứ Ba Tuần II Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 3, 7b-15
“Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”. Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Ðiều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Con người hôm nay vừa bị hấp dẫn bởi cái chết, vừa bị lôi kéo bởi cuộc sống đời này. Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi thoải mái. Nó mời chúng ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng. Luôn luôn xuất hiện những mẫu mã mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Con người vất vả làm việc để có thể mua được món hàng do mình chế tạo. Cuộc sống vừa dễ chịu hơn, vừa mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu. Con người hôm nay có hạnh phúc hơn xưa không? Những thức ăn trần thế có đủ làm con người mãn nguyện không? Người Kitô hữu quý chuộng cuộc sống ở trần thế này, nhưng họ hiểu tính chất mau qua và tương đối của nó. Như Đức Giêsu, họ cũng phải đi qua cuộc sống đời này, nếm đủ mọi mùi vị của phận người, chịu đựng mọi khó khăn thách đố, trước khi về với điểm đến chung cục là cuộc sống đời sau. Thiên đàng, Nước Thiên Chúa hay sự sống vĩnh cửu là những từ diễn tả hạnh phúc đang chờ đợi người Kitô hữu sau cái chết. Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đâu. Họ biết phân biệt những ga xép với đích đến cuối cùng.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu khẳng định chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định: “Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15). Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu. Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi, Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao. Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá, được giương cao khi được Cha phục sinh, và được giương cao khi được Cha đưa về trời. Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí, được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu. Kitô hữu là người đang trên đường về quê hương đích thật. Đấng từ trời xuống nay đã lên trời (c. 13), và lôi kéo chúng ta lên với Ngài (Ga 12, 32). Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sức kéo xuống của vật chất? Làm thế nào chúng ta sống nhẹ nhàng hơn để kéo thế giới quanh ta bay lên?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con, Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ. Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến con có về người khác… Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Lời Chúa nói với ông Nicôđêmô: “Ngươi phải tái sinh lại bởi trời”, có ý muốn nói đến việc tái sinh “bởi trên cao”.
Vào thời Gioan viết Tin mừng đã có những tôn giáo huyền bí nói đến việc tái sinh. Tái sinh theo một giáo thuyết, một tôn giáo lúc ấy là khi con người gia nhập một tôn giáo huyền bí đó thì nhân tính của họ bị coi như tan biến đi, biến đổi hẳn con người của mình và đồng hóa với thế giới thần thiêng, còn cá nhân và bản chất mình thì bị mất hết. Tuy nhiên, chữ tái sinh mà Chúa Giêsu nói trong bài Kinh thánh hôm nay không trong ý nghĩa đó, cũng vì vậy, mà làm cho ông Nicôđêmô – một nhà tiến sĩ luật lúc ấy – khó hiểu và băn khoăn.
Chữ tái sinh trong Tin mừng có nghĩa là người gia nhập Giáo hội Chúa qua bí tích Rửa tội vẫn giữ nguyên bản tính của mình. Bản tính con người đó không hề bị tiêu tan nhưng được chữa lành và tác động bởi Ba Ngôi Thiên Chúa, và cuối đời là được sống với chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Cho nên chữ tái sinh “bởi trên cao” có nghĩa là sinh lại bởi Thiên Chúa, trở nên con cái của Thiên Chúa, chấp nhận nguyên tắc sống siêu nhiên, một bản tính mới như nâng hẳn chúng ta lên vượt khỏi điều kiện tầm thường nhân loại: từ thân phận tội lỗi đáng trầm luân mà được nâng lên làm con Thiên Chúa cùng được hưởng gia nghiệp nước Trời. Cho nên tái sinh trong ý nghĩa siêu nhiên là không ai có thể vào nước Trời nếu không tái sinh bởi trời. Chúng ta được tái sinh là qua bí tích Rửa tội. Nguồn gốc việc tái sinh là bởi cái chết trên thập giá của Chúa Kitô, và tin vào ơn cứu rỗi. Với những ý nghĩa này, hẳn là Nicôđêmô chưa thể hiểu được. Cho nên Chúa cắt nghĩa thêm là phải tái sinh bởi Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu ví Người như gió thổi.
Chúng ta không ai tiên đoán được gió sẽ đi đâu, đến đâu và ngưng ở đâu. Chúng ta cũng chẳng thấy được hướng đi của gió. “Gió không có nhà, gió bay muôn phương, biến biệt không ngừng trên trời đất ta… ”, và không ai trong chúng ta thấy được gió. Không biết gió đến từ đâu và đi đâu. Người ta chỉ thấy hệ quả của gió. Hệ quả của gió là làm mát con người, gió thổi làm tà áo bay phất phới, gió tác động làm rung rinh cả cánh rừng, có thứ gió Nam nóng bỏng, gió bấc rét cắt da thịt, gió bão làm hư hại nhà cửa mùa màng.
Nói tới gió tức là nói tới sức làm việc liên lỉ không ngừng. Gió không bao giờ ngủ, không bao giờ ngừng thổi. Gió tác động êm đềm nhưng có một sức mạnh phi thường. Điều đó ám chỉ Chúa Thánh Thần đầy quyền năng và sức mạnh, Ngài hằng tác động, biến đổi và thánh hoá chúng ta từ tội nhân nên Đấng thánh qua bí tích Giải tội, qua các bí tích. Liệu chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần đang không ngừng tác động vào trong đời sống chúng ta hay không?
Như chúng ta kinh nghiệm rằng, gió thì không thể thấy nhưng ta cảm nhận sự hiện hữu của gió, bởi nếu không có sự tác động của gió thì làm sao thấy được những hệ quả mà ta cảm nhận được. Cũng như thế, Chúa Thánh Thần hằng luôn hiện hữu và tác động trong chúng ta, dẫu không thấy nhưng nhờ đức tin được ban qua bí tích Rửa tội. Nhờ đức tin mà cuộc sống của chúng ta phát sinh ra những hoa trái nhờ sự tác động của Thánh Thần. Hoa trái đó là “tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tự chủ”. (Gal 5, 22-23). Đây chính là dấu chỉ và bằng chứng cho thấy Chúa Thánh Thần hằng luôn hoạt động và quyền năng Ngài không ngừng biến đổi chúng ta.
Liệu chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần đang gìn giữ mối giây hôn nhân gia đình không? Chúng ta cần lắng lòng nghe thấy tiếng Chúa Thánh Thần bên bờ sông Giodan (x. Mt 4,17), trên núi Thabor, bên nấm mồ phục sinh, và trong ngày lễ Ngũ Tuần hiện xuống (x. Cv 2,1). Chúa Thánh Thần vẫn hằng tiếp tục làm việc không nghỉ, không ngơi. Chúng ta là những người đã được tái sinh bởi phép Rửa tội, chúng ta càng cần đến Chúa Thánh Thần để được Ngài canh tân đổi mới cho tới ngày thành công dân nước Trời.
Lạy Chúa là Ðấng hướng dẫn tâm hồn người tín hữu bằng ánh sáng của Thánh Thần, xin ban cho chúng con cùng một Thần khí ấy, được khôn ngoan và hoan lạc luôn mãi trong sự an ủi của Ngài, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.