08.04.2024 – Thứ Hai Tuần II Phục Sinh: Lễ Truyền Tin
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin. Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây. Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ. Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng. Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse. Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do thái ấy vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác. Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng. Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không? Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài. Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé. Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị. Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài. Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa. Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần. Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30). Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai, Chị đã hỏi lại : “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?” vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).
Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều. Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu. Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ. Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ? Giuse sẽ nghĩ sao? Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)? Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn. Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen, yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai, nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa. Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ. Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.”(c. 38). Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới. Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay. Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp, trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?
Cầu nguyện:
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối. Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền. Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông. Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán. Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác. Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những kẻ vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt. Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Đoạn Tin mừng thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa – nhập thể qua lời sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ. Mẹ sẽ là mẹ Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Lời nhập thể nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa là Đấng cao cả và quyền năng, nhưng ngoại trừ việc tạo dựng con người ra, thì những việc tiếp theo, dù là những điều đem lại lợi ích cho con người, thì Thiên Chúa cũng cần sự đồng ý và hợp tác của con người. Như thánh Augustino đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Thiên Chúa đến với chúng ta, Ngài gõ cửa, gợi ý và sau đó là đợi chờ. Dẫu chúng ta biết rằng, Ngài rất yêu thương, nhưng Ngài không bao giờ giới hạn tự do mà Ngài đã ban cho con người. Ngài luôn kiên nhẫn và đợi chờ. Khi Chúa sai sứ thần đến ngỏ lời với một thụ tạo – một trinh nữ thôn quê là Đức Maria – Ngài giải thích và đợi chờ Mẹ đồng ý. Mẹ đã ưng thuận làm theo ý Thiên Chúa bằng lời đáp trả đầy lòng khiêm tốn: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (c. 38). Bởi lẽ, để đáp lại lời xin vâng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, quả thực trước đó Mẹ đã là người có kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa, cho nên, khi sứ thần đến loan báo việc cưu mang Đấng Cứu Thế, ngay lập tức Mẹ liền đáp lại với niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa. Chính vì thế, Mẹ được gọi là “Đấng đầy ơn phúc”, bởi vì, Mẹ luôn tin tưởng những gì Thiên Chúa đã nói là đúng và sẽ được ứng nghiệm. Bằng lời thưa “xin vâng” khiến Mẹ trở thành gương mẫu của sự vâng phục đức tin cho mọi tín hữu.
Hơn thế nữa, qua lời thưa xin vâng, Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, là Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cho con người được trở nên con Thiên Chúa. Như Irénée đã nói rằng: “Đức Giêsu Kitô đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người”. Và sau này, Clémẹnt (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) đã xác quyết: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Đây không phải là một Tin mừng vĩ đại của Thiên Chúa sao? Chính Thiên Chúa, qua con của Ngài là Đức Giêsu, cùng chia vui sẻ buồn của kiếp nhân sinh, và đỉnh cao chính là cái chết đau khổ trên thập giá cùng sự phục sinh của Chúa Giêsu. Người phải trả bằng giá máu, bằng chính sự sống của mình để phục hồi phẩm giá và địa vị làm con Chúa mà con người đã đánh mất vì tội lỗi. Chúa Giêsu chính là Tin mừng mà Mẹ Maria đã cưu mang cho nhân loại.
Như thế, nhờ Đức Maria, Thiên Chúa luôn hiện diện trong tất cả chúng ta, giữa muôn vàn niềm vui, đau khổ, đau buồn, và sự sống mới hiện diện trong cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia và toàn thế giới của chúng ta. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, trong một khóa tĩnh tâm quốc tế cho các linh mục ở Rôma, mẹ đã cầu nguyện với các linh mục rằng: “Xin ban Chúa Giêsu cho chúng con, chỉ một mình Chúa Giêsu, luôn luôn là Chúa Giêsu”. Tại sao mẹ Têrêsa Calcutta lại kêu cầu như thế? Đó là vì chính Đức Mẹ Maria đã đưa Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt đến trần gian. Hôm nay, Đức Mẹ Maria cũng mời gọi rằng: Chúng ta có thể mang Chúa Giêsu đến với người khác trong cuộc sống hằng ngày của mình không?
Lạy Chúa, xưa Chúa đã hạ mình thẳm sâu để mặc lấy xác phàm yếu đuối như chúng con nơi người Con yêu dấu là Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa dạy trong cuộc đời, để mỗi ngày cùng với Mẹ Maria, chúng con luôn biết đáp lại lời thưa xin vâng như Mẹ trong mọi hoàn cảnh sống. Lạy Chúa, chúng con luôn tín thác vào Chúa. Amen.