04.04.2024 – Thứ Năm Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lời Chúa: Lc 24, 35-48
“Ðấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma. Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng. Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma. Khi các môn đệ yếu đức tin, họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. Nhưng khi đức tin của họ được củng cố, họ mới thấy Ngài có thực. Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa, vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ, giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược, hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau. Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến. Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài. Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng. Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ. Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại. Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời. Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng. Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế. Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết. Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động. Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người. Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ. Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu. Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt, và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết. Họ phải là nguồn sống dồi dào, sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc. Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui. Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học. Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc. Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền. Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa, nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình, chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh, bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh. Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin. Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ thì người ta có thể gặp được Ðấng đang sống.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải. Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người. Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người, xin cho con nghe được lời mời của Chúa: “Các con hãy cho họ ăn đi.” Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
“Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Đây là lời mời gọi và định hướng rõ ràng về sứ vụ chứng tá của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, sau khi các ông đã diễm phúc được chính Đấng phục sinh hiện ra cách tỏ tường và đầy yêu thương. Quả thật, tất cả những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu dành cho môn đệ trong giây phút trọn niềm vui này, như chuyển tải một sự phục sinh trọn vẹn. Nào là được đụng chạm vị Thầy kính yêu, được nhìn thấy Thầy cầm khúc cá nướng và ăn trước mặt các ông, hầu giúp các ông thắng vượt nỗi sợ hãi theo bản tính con người, để tin vào Đấng phục sinh. Nhất là được Thầy giải thích những lời Kinh thánh đã loan báo về Người cần phải được ứng nghiệm. Để từ đó, một kinh nghiệm hoán cải và tái sinh phải có nơi các môn đệ, trước khi “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”.
Một trình thuật minh chứng cụ thể là lời đối thoại của Phêrô và Gioan dành cho toàn dân hiện diện tại đền thờ Giêrusalem, sau khi họ chứng kiến phép lạ hai tông đồ chữa lành cho người bị què từ lúc mới sinh, nhân danh chính Đức Giêsu Nadarét: “Anh em đã chối bỏ Đấng thánh và Đấng công chính”, trong khi “Chính nhờ lòng tin vào danh Người… chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em” (Cv 3,14.16). Để rồi, rất khác với lời mời gọi hoán cải, đầy tính chất đe dọa như Gioan Tẩy Giả khi dọn đường cho Chúa Giêsu: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây… Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,10.12), thì nơi đây, lời loan báo Tin mừng phục sinh đã đụng chạm đến từng cõi lòng của các cử tọa đang lắng nghe: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết… Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy, thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến” (Cv 3,17.19-20).
Trong số đầu tiên của Tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Thánh cha Phanxicô đã viết: “Niềm vui của Tin mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh”. Chính Đức Thánh cha đã loan báo chương trình hành động trong tư cách người kế vị thánh Phêrô ở trần gian dành cho mỗi Kitô hữu trong thời hiện đại. Một Đức Kitô phục sinh muốn tiếp tục chung chia phận người và ôm lấy trọn vẹn con người, trong kiếp sống nhân sinh, để chúng ta luôn có thể sám hối và sống đời sống mới trong Người.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Người đã trỗi dậy và phục sinh từ trong thân phận yếu đuối và mỏng dòn của kiếp người. Chúng con hết lòng ca tụng và tuyên xưng tình yêu cao cả của Người. Xin giúp chúng con can đảm trỗi dậy để quyền năng và lòng thương xót của Đấng phục sinh ôm trọn xác hồn chúng con, cho chúng con được chữa lành và tăng sức cho chúng con, để lòng đầy hân hoan, chúng con đi làm chứng nhân cho Người, hôm nay và mãi mãi, trong cuộc sống mới tươi đẹp của chúng con. Amen.