02.04.2024 – Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 20, 11-18
“Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Maria Mácđala là con người yêu mến. Theo Tin Mừng Gioan, bà đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ, đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25). Hầu chắc bà đã tham dự cuộc mai táng Thầy và biết vị trí của ngôi mộ. Hơn nữa, bà là nguời ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần. Rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (20, 1-2). Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11). Ngôi mộ như có sức giữ chân bà. Chỉ tình yêu mới giải thích được điều đó. Maria là con người tìm kiếm.
Đấng phục sinh hỏi bà: “Bà tìm ai?” (c. 15). Bà chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là tìm lại được xác Chúa của bà. Bà đã nói với Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (20, 2). Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ điệp khúc tương tự: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (c. 13). Khi gặp Thầy Giêsu, bà tưởng là người làm vườn, nên cũng nói: “Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về (c. 15). Đối với Maria, mất xác Thầy là mất chính Thầy, nên bà cứ bị ám ảnh bởi chuyện người ta để Người ở đâu. Maria là con người đau khổ. Bà đã khóc nhiều từ khi xác Thầy không còn đó. Cả thiên thần và Đức Giêsu đều hỏi bà cùng một câu hỏi: “Tại sao bà khóc?” Ai sẽ là người lau khô nước mắt của bà Maria Macđala? Ai sẽ là người giúp bà tìm thấy điều bà tìm kiếm? Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn.
Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy. “Maria”: Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc. Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni!” Có những lời của Đức Giêsu được thực hiện. “Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”. Maria đi tìm xác Thầy, nhưng bà đã gặp được một điều quý hơn nhiều,
đó là chính Thầy đang sống. Maria đã khóc lóc, nhưng niềm vui bà gặp được lớn hơn nhiều. Chẳng có giọt nước mắt nào là vô ích trước mặt Thiên Chúa. Hãy nếm niềm vui bất ngờ của Maria. Bà được Chúa sai đến với các môn đệ, cũng là anh em của Ngài. Bà gói ghém kinh nghiệm bà mới trải qua trong một câu đơn giản: “Tôi đã thấy Chúa!” và Chúa đã nói với tôi (c. 18). Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm này. Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện. Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn. Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường. Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Cách miêu tả biến cố phục sinh nơi thánh sử Gioan có điều khác biệt. Chúng ta nhìn thấy điều khác biệt này nơi con người Maria Madalena. Chính điều khác biệt này làm nên triết lý sâu sắc của Tin mừng: khám phá bằng hình tượng và triết lý. Điều thứ nhất, bà chứng kiến ngôi mộ trống, bà nhìn vào và bà khóc. Đó là phản ứng thông thường của phần đông trong chúng ta. Bà khóc vì thân xác Thầy không còn ở đây, bà vẫn muốn thân xác Thầy ở trong ngôi mộ này. Và giờ không thấy, bà buồn, lo lắng, bà khóc. Con người Maria Madalen đã được Chúa biến đổi một lần, đó là lần được tha thứ, đụng chạm tới lòng nhân hậu thẳm sâu của tình yêu Thiên Chúa. Nhưng phải còn thêm một lần biến đổi nữa, để tình yêu phục sinh và vinh quang của Chúa Giêsu thay đổi hoàn toàn. Bà muốn Người ở lại trong mồ, nhưng Người muốn bà loan báo Tin mừng phục sinh, Chúa Giêsu không còn trong mồ nữa. Hình ảnh còn khóc của bà như muốn diễn tả bà vẫn còn ở lại trong những đau khổ kia. Không muốn chôn vùi nó trong nấm mồ chết chóc kia để Chúa làm cho ta được đổi mới hoàn toàn. Có khi nào ta ở trong trạng thái đó không?
Sau cuộc đàm đạo với Chúa Giêsu, mọi sự sáng tỏ. Người dần khai sáng cho bà. Bà nhận ra Chúa phục sinh và là người loan tin cho các tông đồ. Thật là vinh dự, từ chuyện khóc lóc đến là người đầu tiên loan báo Chúa phục sinh, quả thật là một bước tiến lớn. Nó gợi cho chúng ta điều gì? Chẳng phải là những thất bại, sầu khổ, tổn thương cứ đeo đẳng trong con người ta khiến cho ta khó sống vui, sống bình an, sống hạnh phúc không? Vậy thì làm sao loan báo Tin mừng phục sinh được, làm sao chúng ta cất lên: mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiên thần trên trời được? Cần phải có cuộc gặp gỡ phục sinh, kinh nghiệm chôn cất đau khổ và tổn thương mãi mãi trong nấm mồ cùng với Chúa Giêsu để chúng ta trở thành người được chọn loan báo Tin mừng phục sinh cho mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết chạy đến với Chúa, tâm sự với Chúa, nói chuyện với Chúa mỗi ngày, để Chúa khai sáng tâm trí chúng con, giúp cho chúng con xác tín mạnh mẽ vào việc loan báo Tin mừng là sứ mạng của chúng con, của Giáo hội. Amen.