29.03.2024 – Thứ Sáu Tuần Thánh: Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu
Lời Chúa: Ga 18,1 – 19,42
“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng: “Các ngươi tìm ai?” Chúng thưa lại: “Giêsu Nadarét”. Chúa Giêsu bảo: “Ta đây”. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói “Ta đây”, bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng: “Các ngươi tìm ai?” Chúng thưa: “Giêsu Nadarét”. Chúa Giêsu đáp lại: “Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi”. Như thế là trọn lời đã nói: “Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con”. Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Ðầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!” Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do Thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do Thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô: “Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?” Ông đáp: “Tôi không phải đâu”. Ðám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do Thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói”. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư”. Chúa Giêsu đáp: “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?” Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông: “Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?” Ông chối và nói: “Tôi không phải đâu”. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng: “Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?” Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy. Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói: “Các ngươi tố cáo người này về điều gì”. Họ đáp: “Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan”. Philatô bảo họ: “Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông”. Nhưng người Do Thái đáp lại: “Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả”. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do Thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này”. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi”. Philatô bảo Người: “Chân lý là cái gì?” Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do Thái và bảo họ: “Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do Thái cho các ngươi chăng?” Họ liền la lên: “Không phải tên đó, nhưng là Baraba”. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói: “Tâu Vua Do Thái!” Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói: “Ðây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án”. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ: “Này là Người”. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to: “Ðóng đinh nó vào thập giá! Ðóng đinh nó vào thập giá!” Philatô bảo họ: “Ðấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông”. Người Do Thái đáp lại: “Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa”. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu: “Ông ở đâu đến?” Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người: “Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?” Chúa Giêsu đáp: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn”. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do Thái la lên: “Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa”. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do Thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân: “Ðây là vua các ngươi”. Nhưng họ càng la to: “Giết đi! Giết đi! Ðóng đinh nó đi!” Philatô nói: “Ta đóng đinh vua các ngươi ư?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa”. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh. Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do Thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: “Giêsu, Nadarét, vua dân Do Thái”. Nhiều người Do Thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do Thái, Hy Lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô: Xin đừng viết “Vua dân Do Thái”, nhưng nên viết: “Người này đã nói: ‘Ta là vua dân Do Thái’”. Philatô đáp: “Ðiều ta đã viết là đã viết”. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau: “Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy”. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta”. Chính quân lính đã làm điều đó. Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Hỡi Bà, này là con Bà”. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: “Ta khát!” Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất”. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát) Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do Thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người”. Lời Kinh Thánh khác rằng: “Họ sẽ nhìn xem Ðấng họ đã đâm thâu qua”. Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do Thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do Thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do Thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Vào Chúa nhật Lễ Lá chúng ta đã nghe đọc bài Thương Khó trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta luôn nghe đọc bài Thương Khó theo Gioan. Thánh Gioan kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu với những nét riêng của ông. Chúng ta trân trọng cái nhìn bổ sung của thánh Gioan cho những Tin Mừng khác. Trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu của Gioan tỏ ra là người chủ động. Ngài biết trước các biến cố sắp xảy ra, và Ngài có quyền năng làm chủ mọi sự. Chính Ngài tiến ra và hỏi các kẻ đến bắt Ngài: “Các anh tìm ai?” Câu trả lời của Ngài đủ làm họ lùi lại và ngã xuống đất (18, 4-9). Đức Giêsu bình an và uy nghiêm bước vào cuộc Khổ nạn, vì Ngài đã chấp nhận chén đắng Cha trao (18, 11). Khi bị vị thượng tế Khanna tra hỏi về giáo huấn, chẳng chút sợ hãi, Ngài đã thẳng thắn từ chối trả lời (18, 19-21). Khi bị vả mặt, Ngài cũng đòi kẻ xúc phạm Ngài phải nói rõ tại sao (18, 23). Đức Giêsu bị đem tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời đã sáng.
Philatô là người xét xử Đức Giêsu, nhưng có vẻ ông là người bị động. Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu đang ở trong dinh, bên kia là đám đông và các nhà lãnh đạo Do thái giáo đang ở ngoài dinh. Một bên là ông Giêsu mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (18, 38; 19, 4. 6). Bên kia là chức tổng trấn và chức “Bạn của Xêda” mà ông đang nắm giữ (19, 12). Philatô không biết phải theo ai, chọn ai trong tình cảnh căng thẳng này. Vì thế ông đã đi ra, đi vào cả thảy bảy lần (18, 18, 29. 33. 38; 19, 1. 4. 9. 13). Đức Giêsu đã đối thoại khá dài với Philatô về Nước của Ngài (18, 36-37), một nước không có trên bản đồ, không có quân đội, không dùng bạo lực. Nước của Ngài gồm những người biết nghe sự thật và đứng về phía sự thật, sự thật này được Ngài làm chứng và cất tiếng nói lên. “Đây là Vua các người”, Philatô đã giới thiệu Đức Giêsu như thế (19, 14) và ông đã cương quyết giữ lại tấm bảng treo trên thập giá mang dòng chữ: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do thái” (19, 19). Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa. Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua.
Đức Giêsu không cô đơn trên thập giá vì có Mẹ và người môn đệ dấu yêu. Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất. Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30). Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho thấy tình yêu lớn nhất của Ngài (15, 13), tình yêu trao hiến cả Máu và Nước từ trái tim bị đâm thâu (19, 34). Nhưng thập giá cũng cho thấy tình yêu của Cha khi ban Con Một cho ta (3, 16). Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi. Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp. Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con, xin cho những người nghèo khổ được no đủ. Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu, xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện với những khó khăn gay gắt của cuộc sống. Vì Chúa bị kết án bất công, xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật. Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng, xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng. Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề, xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng. Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh, xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực. Vì Chúa dang tay chết trên thập giá, xin cho đất nối lại với trời, con người nối lại mối dây liên đới với nhau. Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ, xin cho chúng con biết đón lấy đời thường với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Ngày thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tất cả mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi đến tôn thờ và hôn kính thánh giá Chúa. Trước khi quỳ gối thờ lạy thánh giá Chúa, chúng ta hãy nhìn lên xem ai đã chịu chết trên đó và vì sao chúng ta thờ lạy thánh giá Chúa?
Ngôn sứ Isaia sống trước Chúa Kitô sáu trăm năm, vậy mà ông nhìn thấy tận mắt thân hình của Đấng chịu treo trên thập giá: “Dân chúng phải kinh hoàng khi nhìn thấy Ngài. Ngài bị khinh khi và là đồ phế bỏ của người đời, con người đau đớn và ốm o so bại, như một kẻ gặp chúng tôi thì lo giấu mặt, bị khinh khi và chúng tôi đã chẳng thèm đếm xỉa” (Is 53,3).
Với một người như thế, sau này trong cuộc xử án, Philatô đã tưởng chỉ cần đưa ra trước dân chúng cũng đủ gợi lên lòng trắc ẩn. Quả thật, Người không còn diện mạo để có thể nhận ra Người. Người giống như một kẻ phong hủi, toàn thân là một vết thương đẫm máu, bị treo lơ lửng trên thập giá. Người mất hết danh dự và bị liệt vào hàng phạm nhân, bị kết án tử giữa hai tên trộm cướp, bị khai trừ khỏi xã hội loài người, trong khi Người là Đấng vô tội, suốt đời chỉ làm ơn cho mọi người.
Chúng ta tôn thờ một người đã chết trên thập giá như một phạm nhân, bởi vì đó chính là Chúa Kitô, sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Người là Đấng vô tội, nhưng Thiên Chúa đã làm cho thành sự tội vì chúng ta. Người đã đi xuống tận vực thẳm của sự chết, giáp mặt với sự chết để rồi chiến thắng nó bằng sự phục sinh vinh quang, giao hòa nhân loại với Thiên Chúa ngay trên thân xác Người, và trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng và nhìn lên thập giá của Người.
Là những người con sinh ra từ cạnh sườn của Đấng bị treo trên thập giá, chúng ta hãy đến thờ lạy thánh giá Chúa. Với lòng yêu mến và biết ơn, chúng ta hãy ôm lấy thánh giá như phương thế giúp chúng ta đạt ơn cứu độ muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Chúa đã vác thập giá, chết trên đó để giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và khỏi chết đời đời. Xin giúp