25.03.2024 – Thứ Hai Tuần Thánh: Lễ Truyền Tin
Lời Chúa: Lc,26-38
“Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm tỏa đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”. Có đám đông người Do Thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Việc Đức Giêsu làm cho anh Ladarô hoàn sinh đưa đến hai thái độ. Thượng Hội Đồng họp nhau lại và quyết định về cái chết của Đức Giêsu. Còn chị Maria, trong bài Tin Mừng này, lại như muốn chuẩn bị cho cái chết ấy. Trong bữa tiệc tại nhà của chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania, Đức Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa. Bữa ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn của cả gia đình đang vui sướng trước sự trở lại từ nấm mồ của người thân yêu. Ladarô hẳn sẽ được ngồi gần Thầy Giêsu, Đấng thương mến anh (Ga 11,3), Đấng trả lại cho anh sự sống. Chính trong bữa ăn do chị Mácta phục vụ này, cô Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ. Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng, khiến cả nhà sực nức mùi hương. Chúng ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu. Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống, nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy. Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy, như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51). Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng cho việc liệm xác
Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39). Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính. Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô. Cô xức dầu mà không so đo tính toán. Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy. Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy. Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền, có giá bằng lương gần một năm của một công nhân. “Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo ?” Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô. Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo.
Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Đức Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình. Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu. Anh là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6). Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu. Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15). Mong chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người. Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen.
(R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
“Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu”.
Ladarô, sau khi được Chúa Giêsu cho sống lại, thì được “đồng bàn” với Chúa để ăn uống, nghĩa là ông được Chúa thương mến. Thế nhưng, ông lại bị các thượng tế căm ghét mặc dù ông đâu có làm điều gì đắc tội đến họ, họ tìm cách hãm hại ông vì ông là nguyên nhân làm mất đi lợi ích của họ, nguyên nhân làm cho dân chúng tin vào Chúa Giêsu.
Qua hình ảnh của Ladarô cho thấy ngày hôm nay nhiều người cũng có thể sẽ bị người khác không ưa khi sống đạo ngay lành. Cũng như người ta vẫn từng kể cho nhau nghe có những tập thể tham nhũng, ăn hối lộ, đòi hỏi tất cả những thành viên trong tập thể ấy đều phải tham gia vào “đường dây” đó. Nếu ai sống ngay lành, không tuân theo thì sẽ bị ghét, bị thù và sớm muộn gì cũng sẽ bị loại trừ. Thậm chí, có những người chỉ cần biết ai đó trong tập thể của mình có người Công giáo thì họ cũng tỏ ra không thích người ấy, có thể do họ có thành kiến với người Công giáo trong một số vấn đề lịch sử, hoặc có khi chính sự tốt lành của người Công giáo lại khiến họ khó đạt được những tư lợi không trong sạch.
Thánh Phaolô đã từng nói rằng: “được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì nào có ích gì” (Lc 9,25). Điều quan trọng không phải là mình sống theo những đòi hỏi của thế gian, tất nhiên, có thể điều mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích, nhưng khi chúng ta sống theo thánh ý Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được phần phúc không bao giờ hư mất.
“Đồng bàn” còn được hiểu là chấp nhận chịu thua thiệt, hy sinh những thứ thuộc về thế gian này để có thể đồng tâm tình với Chúa. Khi có Chúa ở bên cuộc đời, chúng ta có thêm thật nhiều sức mạnh và nghị lực để vượt qua những thách đố, những hiểm nguy trong đời sống đức tin. Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, được rước Mình thánh Chúa là chúng ta đang được đồng bàn với Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết sốt mến đến với bí tích Thánh thể để không ngừng cảm nghiệm những ân ban, cảm nghiệm tình thương của Người qua việc được “đồng bàn” với Người trong thánh lễ. Đồng thời, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những người đang gây ra những đau khổ cho Giáo hội, và cho nhiều người khác trên thế giới.