17.01.2024 – Thứ Tư Tuần II Thường Niên
Lời Chúa : Mc 3, 1-6
“Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6). Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu, về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay, chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh. Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ. Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không. để có cớ tố cáo Ngài. Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng. Ngài muốn công khai hóa và chính thức hóa việc làm của mình, bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!” Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh. Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài về điều được phép làm trong ngày sabát: được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết? Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng, nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động. Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử. Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử. Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao. Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này. Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh. Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống. Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn. Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt, một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được, một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ, theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể. “Hãy giơ tay ra!” Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường. Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được. Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác, và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn. Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông. Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối, Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5). Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình. Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm. Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi. Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa. Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Qua trang Tin mừng trên, Chúa Giêsu đã đưa ra câu hỏi để những người luôn tìm cách chống đối Chúa buộc họ phải trả lời theo tiếng nói lương tâm ngay lành của họ: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”. Và trang Tin mừng đã cho thấy là họ đã thinh lặng.
Câu hỏi trên, Chúa không chỉ để hỏi những người Biệt phái luôn tìm cách chống Chúa mà còn là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta.
Nếu như năm xưa, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu và lòng thương xót dành cho những người đau khổ, cụ thể là người bại liệt, bằng cách đã chữa cho anh ta bình phục, thì ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn luôn thể hiện lòng thương xót của Người qua các bí tích, cụ thể là nơi bí tích Thánh thể. Nhưng chúng ta có thật sự đến với Chúa bằng trái tim yêu mến Người không? Hay chúng ta chỉ đến tham dự thánh lễ bằng thói quen là để “rình xem” linh mục giảng lễ, cử hành thánh lễ… rồi quay phim, chụp hình gửi lên các trang mạng để chỉ trích các ngài? Hay chúng ta đi lễ chỉ để dòm ngó người này, người kia rồi lên án họ. Điển hình như: Hôm nay ca đoàn hát dở quá, người đọc Lời Chúa mặc trang phục không nghiêm trang… nếu như chúng ta đi lễ chỉ để ý đến người khác mà quên đi tâm hồn của mình hướng về Chúa thì có lẽ chúng ta không tránh khỏi mình là một trong những người Biệt phái năm xưa luôn tìm cách chống đối Chúa cho dù mình biết điều mình chỉ trích sai trái.
Lạy Chúa, xin cho chúng con có một lương tâm ngay thẳng, một trái tim rộng mở để mỗi ngày sống chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy. Cụ thể là biết quan tâm và giúp đỡ những người cần đến sự giúp đỡ của chúng con. Xin đừng để cho chúng con có thói dèm pha, soi mói và phê phán người khác. Amen.