13.01.2024 – Thứ Bảy Tuần I Thường Niên
Lời Chúa: Mc 2, 13-17
Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại. Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6). Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công, vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng. Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ. Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc. Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách. Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông. Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.” Lêvi có ngỡ ngàng không? Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam. Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa. Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình Đức Giêsu có liều lĩnh không? Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo, nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi. Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa. Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ. Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc, trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm. Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm. Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y. Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án. Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17). Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân? Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)? Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ, vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình, và bỏ lại tất cả sau lưng. Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha. Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Làm sao chúng ta biết được ý muốn của Chúa dành cho cuộc đời mình? Trong tác phẩm thiêng liêng cổ điển Linh thao, thánh Ignatius Loyola đã trình bày ba cách để chúng ta biết được ý muốn của Thiên Chúa. Cách thứ nhất là cách rõ ràng và dứt khoát nhất. Đó là thời điểm mà con người cảm nghiệm được “sự rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa” nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa. Khi mô tả trải nghiệm này, thánh Ignatius đề cập đến đoạn văn được trích dẫn ở trên như một minh họa cho trải nghiệm này.
Có rất ít điều được nói về lời kêu gọi này của Lêvi trong Phúc âm Marcô, cũng được ghi lại trong Phúc âm Matthêu. Lêvi, còn được gọi là Matthêu, đang làm công việc thu thuế. Dường như Chúa Giêsu chỉ nói hai lời đơn giản này với Lêvi: “Hãy theo Thầy”. Kết quả của hai từ này là Lêvi từ bỏ cuộc sống trước đây và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Tại sao Lêvi lại làm như vậy? Điều gì đã thuyết phục ông đi theo Chúa Giêsu? Rõ ràng có nhiều điều hơn là chỉ một lời mời đơn giản của Chúa Giêsu đã thuyết phục ông đáp lại.
Điều thuyết phục Lêvi là một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn anh một “sự rõ ràng không thể nghi ngờ”. Bằng cách nào đó Lêvi chỉ biết rằng Chúa đang kêu gọi anh từ bỏ cuộc sống trước đây và đón nhận cuộc sống mới này. Không có cuộc thảo luận dài dòng, không có sự cân nhắc giữa ưu và nhược điểm, không suy nghĩ kéo dài về nó. Lêvi vừa biết, và anh ấy đã trả lời.
Mặc dù hình thức sáng tỏ này trong cuộc sống rất hiếm, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được sự thật rằng đôi khi Chúa hành động theo cách này. Đây là một món quà tuyệt vời khi nó xảy ra! Và mặc dù chiều sâu của sự rõ ràng tức thời này không phải lúc nào cũng là cách Chúa nói với chúng ta, nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận rằng đôi khi Chúa cũng nói với chúng ta theo cách này.
Hôm nay hãy suy ngẫm về lời kêu gọi này của Lêvi. Hãy suy ngẫm về sự chắc chắn bên trong mà Lêvi đã được trao vào thời điểm đó. Hãy thử tưởng tượng những gì Lêvi đã trải qua và những gì người khác có thể nghĩ về sự lựa chọn đi theo Chúa Giêsu của ngài. Hãy cởi mở với cùng ân sủng này; và nếu chúng ta cảm thấy như thể Chúa đang nói với mình một cách rõ ràng như vậy, hãy sẵn sàng đáp lại mà không do dự.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Ngài đã kêu gọi tất cả chúng con đi theo Ngài mà không do dự.Con cảm ơn Ngài vì niềm vui được làm môn đệ của Ngài. Xin ban cho con ân sủng để luôn biết ý muốn của Chúa cho cuộc đời con và giúp con đáp lại Chúa bằng sự phó thác và tin tưởng hoàn toàn. Amen.