11.01.2024 – Thứ Năm Tuần I Thường Niên
Lời Chúa: Mc 1, 40-45
“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46). Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên, phải vừa đi vừa kêu lên : “Ô uế ! ô uế !” để người ta biết mà tránh xa. Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại… Như thế từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này. Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế, phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày, và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).
Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê. Anh dám lại gần Đức Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch, mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh, chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó. Đức Giêsu vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép. Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh, đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh, dù chỉ một lời của ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh. Cái đụng của bàn tay Đức Giêsu đã không làm ngài bị ô uế. Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho anh bị phong. Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá. Người phong khi được khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao. Vì thế người ta đổ xô nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành. Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa !
Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giêsu đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước. Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu. Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn… Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong, đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ. Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong, ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ. Giáo hội Công giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi, và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo hội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Ở Việt Nam, người miền Bắc gọi là bệnh hủi, miền Trung gọi là bệnh phong, miền Nam gọi là bệnh cùi. Dẫu gọi bằng tên gì đi nữa thì người mắc bệnh phong cùi cũng dễ bị kỳ thị, tránh xa: một phần vì sự lây lan của bệnh phong, một phần vì ngày xưa chưa có thuốc điều trị vi trùng Hansen nên bị xem là bệnh nan y.
Theo luật Do Thái, người mắc bệnh phong phải bị ở một mình nơi láng trại bên ngoài, tách riêng ra khỏi cộng đồng cũng như nơi đông dân cư hay phố chợ. Thêm nữa, họ còn phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, vừa đi vừa lấy cái chuông làm hiệu kêu leng keng và lại kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” để người ta biết mà tránh xa. Người bệnh phong muốn được chứng nhận là đã khỏi bệnh thì phải đi trình diện tư tế (Lv 13,45-46).
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, người phong đã chạy đến trước Chúa Giêsu để xin Người chữa bệnh. Hành động dám lại gần Chúa Giêsu bất chấp luật lệ hà khắc, thể hiện niềm tin vào Người là Thiên Chúa, Đấng có quyền năng chữa lành cho anh nên anh mới mạnh dạn cầu xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”.
Quả là một niềm tin tuyệt vời, hoàn toàn phó thác khi anh dùng từ chỉ cần Chúa muốn là được. Và anh còn can đảm minh chứng cho hoa trái của điều mình tin, đó là từ một niềm tin đặt vào Chúa đã trở nên đức tin trong tâm hồn. Nên không đợi cho tới lúc đi trình diện các tư tế theo Luật Do Thái để được chứng nhận lành sạch. Vừa rời khỏi đó, anh liền cao rao quyền năng Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu đã thực hiện và anh là một nhân chứng.
Đức tin như ngọn đèn cháy sáng có sức tỏa lan sang những người chúng ta gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe. Từ nơi Chúa Giêsu quả là “hữu xạ tự nhiên hương”, nên chỉ cần một lời chứng đã lay động lòng người tuôn đến với Chúa Giêsu khi mà Người còn chưa công khai vào thành.
Có một số người muốn mình được nổi tiếng, muốn kênh của mình được triệu người xem, vạn người thích đã sẵn làm mọi cách để người khác chú ý tới mình, mặc kệ việc mình làm có sinh ích cho cộng đồng, cho sự thăng tiến xã hội không. Điều này thể hiện một sự sống ảo, như trái bong bóng sẽ sớm nổ tung hoặc xẹp xuống. Chỉ có điều thiện hảo mới tồn lại, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng trường tồn, là ánh sáng tỏa lan mà không bị lịm tắt. Vậy chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng nơi Ngài, và ý thức tham gia vào việc chung của Giáo hội, để Tin mừng Chúa được lan tỏa khắp nơi.