08.01.2024 – Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Lời Chúa: Mc 1, 6b-11
“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Sau khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại, chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan, dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết. Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa, bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông. Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5).
Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình, có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét. Đức Giêsu có thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không? Đức Giêsu có biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không? Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu. Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu là đứng chung với đồng bào, với tội nhân, là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy. Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10) bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra: Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình : “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11). Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng.
Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết, đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu. Nơi dòng sông Giođan hôm đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha, nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối. Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha, nhưng cũng gần gũi với anh em của mình.
Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu. Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình, là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải. Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31), Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2). Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn, Đức Giêsu đã được Cha phục sinh và nâng dậy. Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”. Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình. Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy, chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3). Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới. Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng. Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài. Xin tha thứ cho con vì đã quá bận tâm đến những điều mình nói, đến ảnh hưởng của mình, đến những điều người ta nói và nghĩ về con. Xin tha thứ cho con vì muốn nên giống kẻ khác mà quên mất chính mình, vì khao khát có được những đức tính của họ, mà quên phát triển bản thân. Xin tha thứ cho con vì đã mất nhiều thời gian cho việc phô trương hơn là cho việc xây dựng bản thân. Xin cho con biết cởi mở với anh em; nhờ đó, Chúa có thể đến với con như đến với một người bạn. Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người” mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài vì con là con của Chúa và là anh em của mọi người. Amen.
(Michel Quoist)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa kết thúc Mùa Giáng Sinh và bắt đầu bước sang Mùa Thường Niên. Theo quan điểm Kinh thánh, biến cố này trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng là thời điểm chuyển tiếp từ cuộc sống ẩn dật ở Nazareth đến thời điểm bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Khi chúng ta kỷ niệm sự kiện vinh quang này, điều quan trọng là phải suy ngẫm một câu hỏi đơn giản: Tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa? Hãy nhớ lại phép rửa của Gioan là phép rửa để ăn năn sám hối, một hành động qua đó ngài mời gọi những người theo ngài từ bỏ tội lỗi và quay về với Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu vô tội, vậy lý do Người chịu phép rửa là gì?
Trước hết, chúng ta thấy trong đoạn văn được trích dẫn ở trên rằng, danh tính thực sự của Chúa Giêsu đã được thể hiện qua hành vi rửa tội khiêm nhường của Người. “Con là Con yêu dấu của Cha; Ta rất hài lòng về Con,” giọng nói của Cha trên trời vang lên. Hơn nữa, chúng ta được biết rằng Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu. Vì vậy, phép rửa của Chúa Giêsu một phần là lời tuyên bố công khai về Ngài là ai. Ngài là Con Thiên Chúa, Ngôi Một Thiên Chúa, là một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Lời chứng công khai này là một “sự hiển linh”, một sự biểu lộ danh tính thực sự của Người cho mọi người thấy khi Người chuẩn bị bắt đầu chức vụ công khai của Người.
Thứ hai, qua phép rửa của Người, lòng khiêm nhường lạ thường của Chúa Giêsu được thể hiện rõ ràng. Người là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh, nhưng Người để mình trở nên đồng nhất với những kẻ tội lỗi. Bằng cách chia sẻ một hành động tập trung vào sự sám hối, Chúa Giêsu nói lên nhiều điều qua hành động rửa tội của Ngài. Ngài đến để hiệp nhất với chúng ta là những kẻ tội lỗi, bước vào tội lỗi của chúng ta và bước vào cái chết của chúng ta. Khi xuống nước, Ngài bước vào chính cái chết một cách tượng trưng, vốn là kết quả tội lỗi của chúng ta, và sống lại một cách hiển vinh, cho phép chúng ta cũng cùng Người sống lại trong cuộc sống mới. Vì lý do này, phép rửa của Chúa Giêsu là một cách Người “làm phép rửa” cho nước, có thể nói, để chính nước, kể từ thời điểm đó trở đi, sẽ được ban cho sự hiện diện thiêng liêng của Người và có thể được truyền đạt cho tất cả những ai chịu phép rửa sau Người. Vì vậy, nhân loại tội lỗi giờ đây có thể gặp được thiên tính nhờ phép rửa.
Cuối cùng, khi chúng ta chia sẻ phép rửa mới này, qua nước đã được Chúa thánh hóa, chúng ta thấy phép rửa của Chúa Giêsu là sự mặc khải về con người chúng ta trở thành trong Người. Như Chúa Cha đã phán và tuyên bố Ngài là Con Ngài, và như Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người, thì trong phép rửa của chúng ta, chúng ta trở thành con của Chúa Cha và được tràn đầy Thánh Thần. Do đó, phép rửa của Chúa Giêsu cho thấy rõ chúng ta sẽ trở thành ai trong phép rửa Kitô giáo.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì hành động rửa tội khiêm nhường mà qua đó Chúa đã mở thiên đàng cho tất cả những ai là tội nhân biết quay về với Chúa. Xin giúp con mở lòng đón nhận ân sủng khôn lường của phép rửa mỗi ngày và sống trọn vẹn hơn với Chúa như con cái của Chúa Cha, được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Ôi lạy Chúa, con tin vào Chúa. Amen.