03.01.2024 – Thứ Tư Trước Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: Ga 1, 29-34
“Ðây Chiên Thiên Chúa”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian. Ðây chính là Ðấng mà tôi đã nói rằng: Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước, để Người được tỏ mình ra trong Israel. Và Gioan đã làm chứng rằng: Tôi đã thấy Thánh Thần như con chim bồ câu từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Ðấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Biết một người là đi vào một mầu nhiệm. Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định: “Tôi đã không biết Người” (cc 31-33). Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia. Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36), dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài. và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự. Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ. Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu lúc Ngài được ông ban phép rửa. Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu. Ông đã biết sau khi ông đã thấy. Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban, Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín. Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình. Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26). Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30). Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng. Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu. Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn. Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc. Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng. Biết một người là chuyện khó. Biết Ðức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều. Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này, nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo. Ðể biết Ðức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình. Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng. Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng. Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường, qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp. Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế. Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô. để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài. Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài, là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình, thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu. Gioan đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi. Con người hôm nay đang đợi ai? Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không? Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ. Xin cho con thấy Chúa thật bao la, để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống. Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu, để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất. Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho con thật mạnh mẽ, để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con. Xin làm cho con thật đầy ắp, để ngay cả một ước muốn nhỏ cũng không còn có chỗ trong con. Xin làm cho con thật lặng lẽ, để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi. Xin Chúa ngự trong con thật sống động, để không phải là con, mà là chính Ngài đang sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Trình thuật Tin mừng chúng ta vừa đọc, thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Chúa Giêsu, rằng: Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian.
Trước tiên theo Kinh thánh, kiểu nói “Chiên của Thiên Chúa” có thể mang 3 nghĩa quy chiếu:
– Con chiên trong Isaia (53,7) “như con chiên bị lôi đến lò sát sinh”: Chúa Giêsu là hình ảnh Người Tôi Trung mà Isaia tiên báo bằng hình ảnh con chiên hiền lành chịu chết vì tội muôn dân.
– Con chiên trong Khải huyền (5,6; 14,10; 17,14) đã từng bị sát tế và được nâng lên: Chúa Giêsu đã chịu chết nhưng đã sống lại và chiến thắng tội lỗi.
– Con chiên vượt qua trong Gioan (19,14) (Chúa Giêsu bị giết vào đúng lúc người ta giết chiên để ăn tiệc Vượt qua): Chúa Giêsu chính là Con Chiên vượt qua dùng cái chết của mình để thực hiện cuộc giải phóng nhân loại.
Như thế, Ðức Kitô – Chiên Thiên Chúa – đã dùng giá máu mình để cứu chuộc nhân loại (x. 1Pr 1,18; Kh 5,9; Dt 9,12-15) được loan báo trước bằng hình ảnh máu của con chiên cứu dân Do Thái.
Ngày nay, trong phụng vụ và qua cử hành phụng vụ, dân Chúa được tham dự và đón nhận mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, và đó là tột đỉnh của mầu nhiệm cứu độ: “Trong phụng vụ, điều chính yếu Hội thánh cử hành là mầu nhiệm Vượt qua, mầu nhiệm Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta. Trong phụng vụ, Hội thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, để các tín hữu làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới” (GLHTCG 1067).
Phụng vụ còn là việc Hội thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô (TN & PS) để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.
Bởi đó, thánh lễ vừa là tưởng niệm, vừa là hiện tại hoá mầu nhiệm cứu độ. Tưởng niệm để nhắc nhớ những gì Chúa đã làm cho con người; và hiện tại hoá không có nghĩa là tái diễn, lập lại, nhưng là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội thánh làm cho việc Chúa chết và sống lại không trôi vào dĩ vãng, song đi vào đời sống chúng ta hôm nay một cách mầu nhiệm.
Trong phụng vụ thánh lễ, khi cha chủ tế cử hành bí tích Thánh thể: truyền phép bánh trở nên Mình Thánh Chúa, và rượu lễ trở thành Máu Thánh Chúa. Khi đó, chính Chúa Giêsu hiện diện thật sự, cách bí tích. Và đó là nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin và đến lãnh nhận.
Người Kitô hữu được mời gọi tham dự thánh lễ mỗi ngày. Đó quả thật là một hồng ân lớn lao – một bữa tiệc của ân sủng, món quà vô giá – mà Thiên Chúa ban cho con người. Như câu xác tín mà linh mục chủ tế tuyên xưng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho những ai đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Tạ ơn Thiên Chúa, trong vòng xoáy cuộc đời, người tín hữu vẫn còn nhớ đến Chúa, vẫn còn biết tìm kiếm Thiên Chúa, vẫn cố gắng sắp xếp để tham dự thánh lễ. Tạ ơn Chúa, người tín hữu vẫn đáp lại lời mời gọi tham dự bữa tiệc Vượt qua là thánh lễ; để tham dự thánh lễ với lòng yêu mến, như đi dự tiệc vui, chứ không phải giữ lễ ngày Chúa nhật như 1 điều luật buộc nặng nề.
Như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn những điều khác, Người sẽ ban thêm cho các con” (Mt 6,32), ước mong sao mỗi người chúng ta luôn biết phân định và thực thi điều Chúa dạy trong từng thời điểm của cuộc đời. Amen.