27.12.2023 – Thứ Tư Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: Thánh Gioan Tông Đồ
Lời Chúa: Ga 20, 2-8
“Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”.
Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Gioan, ông là ai? Tôi là một ngư phủ ở hồ Galilê, con ông Dêbêđê, người vùng Bếtsaiđa. Tôi được Thầy Giêsu gọi khi đang vá lưới với cha trong thuyền (Mc 1, 20). Tôi là người khá nóng tính, nên có lần đã bực bội và phản ứng mạnh mẽ khi có người ngoài nhóm trừ quỷ nhân danh Thầy Giêsu (Mc 9, 38). Cũng có lần tôi định xin lửa bởi trời xuống đốt cháy một làng Samaria chỉ vì họ không đón tiếp Thầy trò chúng tôi (Lc 9, 54). Thầy Giêsu gọi hai anh em tôi là con của thiên lôi cũng đúng (Mc 3, 17). Ngoài ra chúng tôi cũng có nhiều tham vọng khi theo Thầy Giêsu. Có lần chúng tôi xin Thầy cho hai anh em ngồi hai bên tả hữu (Mc 10, 37). Tôi biết mình nhiều lần làm cho Thầy buồn, nhưng Thầy vẫn chịu đựng và yêu mến tôi cách đặc biệt. Thầy cho tôi được vào số các môn đệ thân tín (Mc 5, 37; 9, 2; 14, 33).
Gioan, ông là ai? Nếu bạn muốn thì tôi xin tự nhận tôi là người môn đệ được Thầy Giêsu mến thương. Dĩ nhiên Thầy thương mọi môn đệ, nhưng tôi vẫn cảm được tình thương đặc biệt Thầy dành cho tôi. Trong bữa ăn tối, khi Thầy rửa chân cho môn đệ, tôi dám tự hào, có ai được diễm phúc nằm gần ngực Thầy như tôi (Ga 13, 23. 25; 21, 20). Tôi đã sống trọn vẹn với Thầy trong những giờ phút vượt qua. Tôi đã cùng Phêrô vào dinh thượng tế (Ga 18, 15), và đứng gần bên thập giá của Thầy để đón lời trăng trối (19, 26-27). Tôi đã nhìn thấy tận mắt mũi giáo đâm cạnh sườn Thầy khiến máu và nước chảy ra (19, 35). Tôi cũng là người hốt hoảng chạy đến mộ lúc sáng sớm khi nghe Maria Mácđala báo tin mất xác Thầy (20, 2).
Nhưng khi đi vào trong mộ, thấy các băng vải quấn xác Thầy còn để đó, và khăn che đầu được cuốn lại và xếp gọn một bên (20, 7), tôi được ơn soi sáng để hiểu ngay Thầy đã sống lại (20, 8), bởi vì tôi chợt nhớ lúc Ladarô được hoàn sinh ra khỏi mồ, anh còn bị lúng túng trong mớ khăn và băng vải (Ga 11, 44). Tôi đã thấy và đã tin Thầy của tôi được Thiên Chúa phục sinh, giải thoát Thầy khỏi phiến đá che mộ và đồ liệm xác vướng víu. Tôi đã tin dù lần ấy tôi chưa gặp Thầy. Sau này có lần tôi gặp lại thầy ở Biển Hồ quen thuộc (Ga 21, 2. 7). Qua một đêm trắng tay, chúng tôi đánh được một mẻ cá lớn bất ngờ, tôi cũng được ơn nhận ra Thầy trước tiên, và nói với Phêrô: Chúa đó! Thật ra, tôi cũng chẳng hơn gì anh Phêrô, nhưng vì Chúa thương tôi, nên đôi khi tôi bén nhậy hơn anh ấy.
Gioan, ông là ai? Tôi là một ngư phủ vùng Galilê, ít học, ít suy nghĩ chuyện cao siêu. Nhưng tôi biết mình được một ơn mà nhiều người thèm muốn. Đó là ơn được sống cận kề với Thầy Giêsu. Thầy là một mầu nhiệm mà tôi nào có hiểu ngay từ đầu khi ở bên Thầy. Nhờ được sống lâu, nhờ suy niệm dưới ánh sáng của Thánh Thần, tôi thấy mình dần dần được đưa vào mầu nhiệm sâu hun hút và lôi cuốn. Từ từ tôi nhận ra Thầy là ai: Thầy quá lớn lao nhưng lại rất gần gũi. Tôi tin Thầy là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Lời, mang thần tính như Cha, nhưng Ngôi Lời ấy đã mang xác thịt yếu đuối như tôi (Ga 1, 14). Ngài đã ở bên chúng tôi như một người thầy, một người bạn. Không ai đã thấy Thiên Chúa vinh quang bao giờ, nhưng chúng tôi đã có thể thấy tận mắt và chiêm ngưỡng (1 Ga 1,1), và tay chúng tôi có thể chạm đến một Thiên Chúa bằng xương bằng thịt. Hạnh phúc khôn tả này, tôi không thể giữ riêng cho mình. Tôi muốn loan báo cho anh em để hiệp thông và chung vui (1 Ga 1, 3-4). Tôi muốn làm chứng về mầu nhiệm và muốn viết ra thành sách (Ga 21, 24).
Xin mọi người biết cho rằng mọi điều được viết là xác thực. Tôi đã không làm chứng bằng cái chết như anh Phêrô, nhưng tôi làm chứng bằng lời tôi viết. Dù ai có nói gì về tôi, có ca ngợi về sự biến đổi kỳ diệu nơi tôi, từ một kẻ nóng tính, háo danh, thô thiển, đến một người đắm chìm trong chiêm niệm về một tình yêu quá lớn, tôi cũng chỉ xin mình được mãi mãi nhìn nhận như người được Thầy Giêsu mến thương.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, Chúa đã làm người như chúng con, nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người. Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc mà con người lại yếu đuối mong manh. Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt, và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa. Lạy Chúa Giêsu, nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây, xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con? Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc. Xin đồng hành với con, để con không cô đơn. Xin cho con yêu đời luôn dù đời chẳng luôn đáng yêu. Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Gioan tự xưng mình là người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Điều này đúng một cách khách quan (vì Chúa Giêsu thương mến ông thật), và cũng đúng cách chủ quan (ông biết Chúa Giêsu thương mình). Khía cạnh chủ quan này rất quan trọng.
Lòng yêu mến Chúa đã giúp ông sớm nhận ra Chúa nơi những biến cố cuộc đời và sống trong niềm vui, bình an của Chúa.
Gioan là “môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (x. Ga 13,23; 19,26; 20,2; 21,7), người đã ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly (x. Ga 13,23.25) như là biểu tượng của tình yêu gắn bó với Thầy. Về sau thánh Augustinô đã nhìn thấy mối gắn bó tình yêu này như sau: “Từ trong lồng ngực Chúa, Gioan đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”.
Thật thế, vì Gioan được ở gần bên Chúa, gắn bó và chứng kiến những việc Chúa làm. Sống và cảm nghiệm tình yêu của Thầy, ông đã ghi chép lại diễn từ tình yêu của Thầy (x. Ga 14-15) mà chỉ có ghi nhận nơi Tin mừng Gioan, vì thế được gọi là con người của tình yêu. Vì sự cảm nghiệm và gắn bó với Thầy của Gioan mà văn sĩ Origênê kết luận: “Chỉ có con người được dựa vào ngực Chúa và được Chúa trao cho Mẹ Maria mới có thể hiểu mọi bí nhiệm của Thiên Chúa”. Cảm nghiệm lưu trong tình yêu của Thầy như lời mời gọi: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Gioan ghi nhận lời dạy của Thầy, ngài đã sống-nghiệm như vị giáo chủ đại kết Constantinốp Athenagoras nhận định: “… Giống như thánh nhân, những người ‘đi vào tĩnh lặng’ nhận biết sự trao đổi huyền nhiệm trong tâm hồn với sự hiện diện của thánh nhân đã làm cho tim họ bừng cháy” (O. Clément, trao đổi với Athenagoras, Torino, 1972, trang 159).
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn cảm nghiệm được tâm tình của Gioan khi sống và nghiệm trong lòng tình yêu của Thiên Chúa, cung lòng Thầy mà ông ngả vào: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy”. Amen.