01.12.2023 – Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên
Lời Chúa: Lc 21, 29-33
“Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: “Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Cây vả là một cây rất thường thấy ở xứ Paléttin. Khi nó đâm chồi, người ta biết ngay đã vào mùa hè. Rồi thì nó sẽ ra hoa và kết trái. Không phải chỉ có cây vả, mọi cây khác cũng vậy (c.29). Cứ nhìn tình trạng hiện tại của cây, ta biết được điều gì sắp xảy đến. Nước Thiên Chúa cũng vậy. Trước khi Nước Thiên Chúa đến sẽ có những dấu hiệu ở trên trời, dưới đất hay ngoài biển khơi. Đức Giêsu đã nhắc cho ta về những dấu hiệu đó (Lc 21, 11. 25-26). Khi bắt đầu đi rao giảng cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu tuyên bố: Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1, 15). Và Nước ấy đã được khai mạc với chính con người Đức Giêsu. Lời nói và việc làm của Ngài đã mở ra Nước ấy trên mặt đất. Như hạt giống, Nước ấy đã không ngừng lớn lên cả ngày lẫn đêm, đã ảnh hưởng mạnh mẽ như nhúm men trong đống bột, và đã phải chịu sự tấn công của kẻ thù gieo cỏ lùng vào giữa lúa.
Với sự phục sinh của Đức Giêsu, Nước ấy chắc chắn sẽ đến. Chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang, dù chúng ta không biết rõ khi nào, tuy sẽ có những điềm báo trước. Ngày Nước Thiên Chúa đến cách huy hoàng trên trái đất sẽ là ngày tận thế, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét mọi người. Kitô hữu là người tin vào lời Đức Giêsu. “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua” (c. 33). Chúng ta chờ đợi, vì chúng ta tin Đức Giêsu sẽ trở lại. Sau hai ngàn năm chờ đợi và nỗ lực dựng xây, ngày Đức Giêsu quang lâm đã gần hơn nhiều. Biết đâu câu nói sau của Đức Giêsu lại chẳng ứng nghiệm cho chính thế hệ chúng ta: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.” (c. 32). Không được để mình nguội lạnh và mất đi thái độ chờ đợi. Không được để chiến thắng tạm thời của sự dữ ở đâu đó khiến chúng ta mất đi lòng tin, và những bách hại khiến ta mất đi lòng kiên trì cần thiết (Lc 21, 19).
Nước Thiên Chúa vẫn đến gần hơn mỗi ngày. Không thiếu dấu chỉ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến. Chúng ta phải thấy có biết bao dấu chỉ tích cực, đầy hy vọng, ngay giữa những khi tưởng như Nước ấy bị xóa sổ, loại trừ. Đừng để mình rơi vào thái độ bi quan, khoanh tay vì chán nản. Phải làm sao để ngày tận thế không phải là một ngày buồn, ngày của những đổ vỡ và mất mát chia ly. Phải làm sao để ngày ấy là ngày lịch sử nhân loại mở sang trang mới. Đức Giêsu xuất hiện như Điểm Ômêga, Điểm đến của cả vũ trụ. Con người và cả vũ trụ đều được hưởng ơn cứu chuộc (Rm 8, 19-23), và Thiên Chúa Cha được tôn vinh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó. Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người. Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em. Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại. Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa. Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Khung cảnh trình thuật Tin mừng Luca hôm nay đi sau phần giải thích của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự sụp đổ của thành Giêrusalem và ngày Con Người quang lâm. Tâm thế của người môn đệ chính là: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28). Hơn nữa, để nhận biết và chuẩn bị đón Chúa đến, người môn đệ còn phải rút ra bài học từ dụ ngôn cây vả trong bài Tin mừng hôm nay. Cụ thể, ở tại Thánh địa, cây vả thường đâm chồi vào độ tháng Ba, dấu hiệu mùa hè gần tới. Và thời điểm này cũng gần kề lễ Vượt qua của người Do Thái. Chính nơi đây, với biến cố Chúa Giêsu chuẩn bị bước vào cuộc thương khó, từ Chương 22, sẽ khởi đầu cho mùa Xuân nước Trời, cho triều đại Thiên Chúa thật sự trở nên hiện thực, qua cái chết và sự phục sinh của Người.
Mặc khải viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô còn tiếp tục trải dài trong dòng lịch sử cứu độ và sẽ thành toàn nơi ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Người môn đệ Chúa cần nhạy bén để nhận biết những lời sống động và những thực tại hữu hình bên ngoài của tất cả ân ban nhưng không đến từ Thiên Chúa, để không lập lại sự tiếc nuối của Chúa Giêsu như cuộc viếng thăm của Người năm xưa: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (Lc 19,42). Điều mà sau này, chính Chúa Giêsu, trên đường khổ nạn, đã một lần nữa nhắc nhở những người thương khóc Chúa phải vác thập giá: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28). Đặc biệt, không thể bỏ qua một dung mạo Đức Kitô đích thực đang sống động nơi chính lời mời gọi bước vào một Giáo hội hiệp hành “cùng đi với nhau”, trước hết là “cùng đi với Đức Kitô”, qua chính biến cố Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về hiệp hành vừa kết thúc giai đoạn một cuối tháng 10/2023 vừa qua. Vì thế, mỗi Kitô hữu hãy cùng ý thức và học hỏi về tiến trình hiệp hành, đồng thời giúp nhau cử hành sống động tinh thần hiệp hành như ước mong của Đức Thánh cha. Đó là chính phong cách bước đi và làm nên sứ mệnh Giáo hội hôm nay, giữa một gia đình nhân loại vốn nhiều thương tích và bị bỏ rơi.
Lạy Chúa Giêsu, chỉ khi cùng bước đi với Chúa nơi Giáo hội hiệp hành, chúng con mới có thể trở nên những cây vả đâm chồi nảy lộc báo hiệu mùa Xuân của nước Thiên Chúa ở giữa trần gian, hầu góp phần lan tỏa vinh quang của Chúa ở mọi nơi chúng con hiện diện và dấn thân. Amen.