22.11.2023 – Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 19, 11-28
“Sao ngươi không gởi bạc ta ở ngân hàng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:
“Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng ‘Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về’. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi’. Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.
Người thứ nhất đến và thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén’. Nhà vua bảo: ‘Ðược, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành’. Người thứ hai đến thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén’. Nhà vua đáp: ‘Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành’. Người thứ ba đến thưa: ‘Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài; ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo’. Vua phán rằng: ‘Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời’.
Vua liền bảo những người đứng đó rằng: ‘Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén’. Họ tâu rằng: ‘Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi’. Vua đáp: ‘Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta’. Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.”
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Khi Đức Giêsu đến gần Giêrusalem, nhiều người nghĩ rằng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện rồi. Họ cho rằng khi Ngài tiến vào thành thánh lẫm liệt như một vị vua, Nước ấy sẽ bừng tỏa trọn vẹn trên đoàn dân của Thiên Chúa (c. 11). Thật ra Nước Thiên Chúa không đến nhanh như họ nghĩ. Đức Giêsu còn phải chịu đau khổ, chết, rồi được phục sinh. Sau đó Giáo Hội còn phải chờ một thời gian dài trước khi Nước Thiên Chúa đến cách viên mãn qua việc Ngài trở lại. Thời gian của Giáo Hội là thời gian đợi chờ, thời gian lo làm ăn sinh lợi với những gì Chúa tặng ban. Đó chính là ý nghĩa của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay. Một nhà quý tộc kia đi xa để lãnh nhận vương quyền. Trước khi đi ông gọi mười người đầy tớ lại, và trao cho họ mỗi người một số tiền không lớn lắm, là một đồng mina. Ông ra lệnh: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (c. 13). Khi nhà quý tộc trở về trong tư cách là vua, ông truyền gọi các đầy tớ lại để họ báo cáo về công việc làm ăn. Hai người đầy tớ đầu tiên đã sinh lợi không ít. Một người được lời thêm mười đồng, người kia được thêm năm đồng. Cả hai được vua ban thưởng rất trọng hậu, cho cai trị các thành phố. Còn người thứ ba trả lại cho nhà vua đồng mina anh đã nhận. “Thưa Ngài, đồng mina của Ngài đây, tôi đã giữ kỹ nó trong khăn.” Tất cả tội của người đầy tớ này nằm ở thái độ giữ kỹ. Giữ kỹ thì chẳng mất gì, vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng giữ kỹ lại không thể làm cho đồng tiền sinh lời. Hơn nữa, giữ kỹ là không vâng lời ông chủ trước khi đi: “Hãy lo làm ăn!” Người đầy tớ sợ ông chủ, vì ông là người nghiêm khắc (c. 21). Chính vì sợ làm ăn thua lỗ, sợ bị ông chủ trừng phạt mà anh chọn thái độ chắc ăn là giữ kỹ đồng vốn trong khăn. Thái độ này không được ông chủ, nay trở thành nhà vua, chấp nhận. “Tại sao anh không gửi tiền của tôi vào ngân hàng, để khi trở về, tôi mới rút được cả vốn lẫn lời chứ ?” (c. 23). Ý của chủ là đồng tiền cần phải được đầu tư để sinh lời. Nỗi sợ đã làm cho anh đầy tớ mất đi sự liều lĩnh cần thiết.
Bài Tin Mừng nhắc các Kitô hữu một điều cần. Giữ kỹ, giữ nguyên những gì Chúa ban vẫn chỉ là một thái độ tiêu cực. Kitô hữu là người tích cực sử dụng đồng vốn nhận được để sinh lời. Ra khỏi thái độ rụt rè, sợ hãi, để dám nghĩ, dám làm việc lớn cho Chúa, đó mới là thái độ đúng đắn của người Kitô hữu có trách nhiệm. Nếu không liều lĩnh trong những dự tính và hành động, nhiều nén bạc Chúa ban sẽ bị bỏ quên mãi trong khăn. Ông chủ trong dụ ngôn thật ra không phải là người ham lời. Ông chỉ muốn các đầy tớ trung tín trong việc rất nhỏ (c. 17). Nhờ dấn thân làm việc cho Nước Chúa mà người Kitô hữu được lớn lên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa. Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con. Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa. Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta tự chất vấn bản thân mình xem coi mình thuộc hạng đầy tớ nào?
Thực ra khi nói Thiên Chúa phán xét thì không có nghĩa Chúa sẽ trở nên một quan tòa, cứ theo giấy trắng mực đen mà đẩy người ta vào chốn đau khổ hay đưa vào nơi hạnh phúc. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của tình thương, Ngài luôn xót thương và dành cho con mình những gì tốt đẹp nhất. Ngài sẵn sàng chịu chết để đem lại ơn cứu chuộc, nghĩa là con người sẽ được hưởng hạnh phúc bất diệt trên nước Trời với Ngài. Vậy thì mấu chốt nằm ở việc chúng ta giữ mối tương quan thế nào với Thiên Chúa! Nếu chúng ta tin tưởng vào tình thương đại lượng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không sợ bị đánh mất “những nén bạc” Chúa trao mà hân hoan để làm lời cho Ngài; còn nếu chúng ta luôn sợ hãi Chúa, coi Chúa như một Đấng khó khăn, dữ tợn thì chúng ta sẽ tránh né Chúa, tránh né bổn phận Chúa trao. Cứ như thế đến ngày sau hết chúng ta cũng sẽ chọn con đường đi xa Chúa.
Cũng thế, khi nhìn về mẫu gương của các vị thánh nhân, chúng ta chẳng tìm thấy có ai mà ăn không ngồi rồi, tận hưởng cuộc sống an nhàn lại được Giáo hội tuyên thánh cả. Tất cả điều có những xuất phát điểm rất khác nhau, giàu sang có, bần cùng có, khỏe mạnh có, đau yếu có, giáo dân có, tu sĩ giáo sĩ có. Điều đó cho thấy rằng, muốn vào hưởng hạnh phúc bất diệt của ơn cứu độ thì trước tiên chúng ta cần nỗ lực để trở nên người tôi tớ trung tín, sẵn sàng hy sinh nhiều sự hấp dẫn của thế tục để sinh lời những ơn lành mà Chúa đã ban theo ơn gọi riêng của mình.
Chúa Giêsu đã hứa với những ai dành trọn tâm cho việc tìm kiếm nước Chúa: “Trên hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Nếu chúng ta để tâm hồn mình định hướng tìm kiếm nước Thiên Chúa, mình sẽ có được tất cả, vì nước Thiên Chúa mà chúng ta tìm được sẽ chiếm hữu chúng ta. Chính lúc đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc có nước Trời. Cho nên thánh Phaolô đã từng xác quyết rằng: “Chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Pl 3,12).
Xin Chúa giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa, để chúng ta luôn xem Chúa như người Cha luôn yêu thương và luôn mong mỏi dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài. Từ đó chúng ta sẽ mừng vui khi đứng trước sự phán xét của Chúa về những nén bạc mà Ngài đã thương ban. Amen.