06.11.2023 – Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên
Lời Chúa: Lc 14, 12-14
“Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”: đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người. Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời ta vượt lên trên lối cư xử đó, không ngừng lại ở chỗ tôi cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết nên mời ai và không nên mời ai. Có bốn hạng người không nên mời dự tiệc: bạn bè, anh em, bà con họ hàng, hay láng giềng giàu có. Ngài đưa ra lý do: “Kẻo họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12). Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn hạng người nên mời dự tiệc: những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c.13). Đức Giêsu khuyên nên mời những hạng người này, vì họ không có khả năng mời lại hay đáp lễ (c.14).
Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc. Không mời những người quen biết, thân thích, giàu sang, để mời những người nghèo hèn, những kẻ chẳng được ai mời. Qua đề nghị khó thực hiện này của Đức Giêsu, Ngài đụng đến một khuynh hướng tự nhiên mà ít người để ý. Đó là khi làm điều tốt cho ai ta cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.
Có khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn. Có khi mong trả lại bằng một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản. Nói chung để làm một hành vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó. Chỉ ai thành thật đi vào lòng mình mới thấy mình ít khi cho không. Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh hướng này. Ngài mời chúng ta ra khỏi thế giới của những người quen biết, không kết thân với những người giàu có và thế lực, để mong họ đem lại lợi nhuận hay làm ô dù cho ta. Ngài đưa ta đến với những người nghèo và không có địa vị, những người không có khả năng mời lại hay đáp lễ. Có khi những người đó chẳng ở đâu xa. Họ nằm ngay trong số bạn hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm. Khi mời họ dự tiệc, trân trọng họ như khách quý, chúng ta làm sống lại những mối tương quan tưởng như không còn. Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt, trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình. Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu. Chúng ta sẽ được nếm một mối phúc mới: Phúc cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ. Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ” trong ngày phục sinh (c. 14).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp hai khái niệm: công bằng và bác ái. Công bằng là việc đối xử với người khác theo đúng những gì họ xứng đáng, không thiếu không thừa. Bác ái việc đối xử với người khác theo tình yêu thương, không tính toán, không đòi hỏi, không phân biệt. Trong Tin mừng Luca (14,12-14), Đức Giêsu dạy chúng ta về sự khác biệt giữa công bằng và bác ái trong tương quan với Thiên Chúa và với người. Người nói rằng khi chúng ta mời ai đến ăn tiệc, đừng mời những người giàu có, những người quyền quý, những người có thể trả lại cho chúng ta, hãy mời những người nghèo khổ, những người tàn tật, những người không có gì để đáp lại. Bởi vì khi làm như vậy, chúng ta sẽ được công phúc trong ngày sau hết. Đây là cách sống theo bác ái, không phải theo công bằng. Ví dụ, khi cho một người ăn xin ít tiền, chúng ta không nên mong đợi họ sẽ cảm ơn hay trả lại cho mình. Chúng ta nên cho vì yêu thương, vì thấy họ cần được giúp đỡ.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường mong muốn được Thiên Chúa ban phước. Nhưng chúng ta mong muốn theo cách nào? Theo công bằng hay bác ái? Theo công bằng là mong muốn Thiên Chúa trả lại cho chúng ta theo công lao của chúng ta, theo những gì chúng ta đã làm cho Ngài và cho người. Theo bác ái hay lòng thương xót là mong muốn Thiên Chúa ban cho chúng ta theo mọi ân sủng của Ngài, theo sự lòng thương xót của Ngài. Trong Tin mừng Matthêu (20,1-16), Đức Giêsu kể cho chúng ta nghe ví dụ về người chủ ruộng nho thuê các thợ làm việc cho mình từ sáng sớm đến chiều tối. Khi trả lương, người chủ ruộng nho trả cho tất cả các thợ một đồng tiền bạc, dù họ đã làm việc nhiều hay ít giờ. Những thợ làm việc từ sáng sớm phàn nàn rằng họ đã bị bất công, vì họ đã làm việc nhiều hơn những thợ khác mà nhận được cùng một lương. Nhưng người chủ ruộng nho trả lời rằng họ không bị bất công, vì họ đã đồng ý làm việc với một đồng tiền bạc. Người chủ ruộng nho cũng có quyền quảng đại với những thợ khác vì tiền bạc là của ông. Đây là cách Thiên Chúa ban phước cho chúng ta theo lòng thương xót, không phải theo công bằng. Ví dụ, khi cầu nguyện, chúng ta không nên đếm xem mình đã cầu nguyện bao nhiêu lời, bao nhiêu giờ, để mong Thiên Chúa sẽ nghe lời và đáp ứng theo ý của mình. Chúng ta nên cầu nguyện vì yêu mến Thiên Chúa, vì muốn gần gũi với Ngài.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống tình bác ái vì sự yêu thương không tính toán, không đòi hỏi, không phân biệt. Xin Chúa ban cho chúng con ơn biết quảng đại cho đi mà không cần đền đáp, và tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài. Amen.