04.11.2023 – Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11
“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: “Xin ông nhường chỗ cho người này”, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất, Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10). Mới nghe những lời khuyên này, ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo. Nên chọn ngồi chỗ cuối, vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc, bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên. Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống. Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ, để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên. Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục, và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10). Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không?
Chắc là không. Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7), Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều. Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra: Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang, nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53). Các Mối Phúc cũng nói lên sự đảo ngược này. Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than. Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26). Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến. “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11). Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục. Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều. Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi. Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn, thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau: “Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái, đối xử với nhau trong sự kính trọng, xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang. Chúng ta không giả vờ khiêm tốn. Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.” Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy. Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra. Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác. Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội. Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ, nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con. Cho con biết yêu những công việc bé nhỏ mỗi ngày, những công việc âm thầm, những bổn phận mà con làm vì yêu mến. Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày, vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ, nhưng làm tim con đau đớn. Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ, đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực, sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa. Hơn nữa, xin cho con can đảm, dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn, nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con. Mỗi lần bị cám dỗ tự cao, xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi, con đường bé nhỏ và khiêm hạ. Ước gì con được làm bạn của Chúa trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ, và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Câu kết luận Tin mừng hôm nay: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11) chính là thông điệp thật rõ ràng cho mỗi Kitô hữu chúng ta, vì quả thật,khiêm tốn là nét duyên của người Kitô hữu trước mặt Chúa. Thiên Chúa thương yêu và nâng dậy những ai khiêm cung nhỏ bé.
Người khiêm nhường nhìn nhận rằng mọi sự mình có đều do lãnh nhận nơi Chúa, rằng mình là đầy tớ vô dụng, tự mình không là gì khác hơn là tội nhân. Khiêm nhường trước hết hệ tại thái độ xác định vị trí khách quan của mình: tội lỗi trước Đấng toàn năng và chí thánh. Người sống khiêm nhường thì không thất vọng, ngã lòng trước tội lỗi, nhưng sẽ mở tâm hồn đón nhận ơn Chúa, đón nhận năng lực của ân sủng.
Sự khiêm nhường đưa ta đến sự trung thực, tính thực tế và sức mạnh. Đồng thời, cũng để ta biết yêu mến và phục vụ tha nhân vô điều kiện vì lợi ích chung hơn là lợi ích của mình. Thánh Phaolô đã đưa ra cho ta ví dụ về mẫu gương khiêm nhường là Chúa Giêsu: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế để cứu chuộc chúng ta chỉ vì yêu thương. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).
Bởi đó, sống khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu thì không phải là sợ sệt, hèn nhát, nhưng là can đảm, mạnh mẽ, quảng đại, và chỉ có như vậy chúng ta mới dám tự hạ mình phục vụ mọi người.
Hôm nay, Phụng vụ Giáo hội mừng lễ kính nhớ thánh Carôlô Borrômêô. Thánh Carôlô Borrômêô đã biết luôn sống khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu. Thánh nhân sống đức tin can đảm, mạnh mẽ, với một tấm lòng muốn nên hoàn thiện như Chúa mời gọi. Thánh nhân yêu thương người nghèo, người neo đơn, mồ côi, góa bụa. Vào thời của ngài (năm 1538, tại Milan, nước Ý), bệnh dịch lan tràn khắp nơi, gây tang thương chết chóc cho nhiều người. Thánh nhân đã bán hết tài sản để phân phát cho người nghèo khó, chính ngài đã đích thân thăm viếng bệnh nhân và ban các bí tích cho họ. Bất cứ làm công việc gì, bất hoàn cảnh nào, bất cứ ở địa vị nào, chức vụ nào, thánh nhân cũng luôn làm vì vinh quang Chúa Kitô.
Với đức tính hiền lành và khiêm nhượng, với lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và các linh hồn, với nhiều sức lực và óc thăng tiến, thánh nhân đã luôn cảm nghiệm Lời Chúa phán dạy: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Như thế, mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng cần bước theo Chúa Giêsu, sống đời sống khiêm nhường, như cách mà thánh giám mục Carôlô Borrômêô đã sống.
Và để sống khiêm nhường đích thực chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu Thánh Thể – Đấng đã hạ mình xuống làm tội nhân chịu treo trên thập giá – đối với người đời đây đã là địa vị quá thấp hèn, nhưng Chúa Giêsu còn muốn ẩn thân dưới hình bánh hình rượu, bề ngoài bất động, hầu cho ta được thấy sự tiêu hao mình đi vì lợi ích của đồng bào.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con ơn biết chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể – Đấng đã hạ mình xuống làm tội nhân chịu treo trên thập giá – để từ đó con biết sống khiêm nhường trước mọi người, biết tôn trọng, nhường nhịn, phục vụ nhau, biết nhận lỗi và can đảm xin lỗi khi con có lỗi với anh chị em. Amen.