03.11.2023 – Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 14,1-6
“Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm: Sau khi dự nghi thức ở hội đường vào ngày sabát, người ta thường mời khách về nhà dùng bữa trưa. Bữa ăn này đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước. Hôm nay Đức Giêsu lại được một người Pharisêu mời dùng bữa. Đây là lần thứ ba Ngài được mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37). Và đây cũng là lần thứ ba có sự căng thẳng vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10). Những người Pharisêu trong bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1). Chúng ta không rõ người mắc bệnh phù thũng có là khách không. Hay phải chăng anh ấy là người không mời mà đến? Nếu là khách thì tại sao Đức Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi? Dù sao thì anh ấy cũng đang đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2). Ngài thấy những dấu hiệu của bệnh phù thũng nơi thân xác anh.
Trên người anh có chỗ sưng lên vì nước bị ứ lại. Chính Đức Giêsu là người chủ động đặt vấn đề với người Pharisêu. “Có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không ?” (c. 3). Hiển nhiên đối với họ, chỉ được phép chữa những bệnh nhân hấp hối. Anh bị phù thũng không nằm trong diện này. Vậy mà họ đã giữ thái độ thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4). Đức Giêsu đã chữa bệnh cho anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy. Không có lời nói nào kèm theo. Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng vui sướng vì được khỏi bệnh. Đức Giêsu đã muốn biện minh cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát bằng một câu hỏi về cách ứng xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5). “Giả như các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng, các ông lại không kéo nó lên ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?” Họ đã không thể đưa ra câu trả lời, vì dĩ nhiên là phải kéo nó lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng. Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh đơn giản là kéo một người lên ngay. Dù Ngài không phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ ngày sabát, nhưng ngày sabát lại không cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh. Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người. Nếu để đến hôm sau mới chữa cho anh phù thũng thì cũng được. Nếu để bà còng lưng mười tám năm chịu thêm một ngày cũng không sao. Nhưng Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức, khi có thể được. Ngài muốn làm vơi nỗi đau kéo dài đã lâu của con người. Chính vì bà còng lưng đã mười tám năm đau khổ nên không cần kéo dài thêm, dù chỉ một ngày nữa.
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự của con người. Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay. Có bao mảnh đời sắp bị đổ vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm, có những người trẻ đứng trên bờ vực, có những thai nhi bị chối từ. Làm sao chúng ta không dửng dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng, và không quay lưng với những người đã sa xuống vực sâu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội. Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Trong xã hội hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy người ta dựa vào công lý và luật pháp như là một thứ kim chỉ nam duy nhất hướng dẫn đời sống. Muốn cuộc sống yên ổn và thảnh thơi, thì hãy thi hành luật pháp. Đến nỗi người ta quên đi tinh thần của luật là công bằng, là tình bác ái và tình người. Bức tranh ảm đạm đó chúng ta đã từng chứng kiến và trải qua trong những ngày tháng đại dịch CoVid-19… Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không rập theo thói đời, người đời, nhưng cần vươn lên một “tầm cao mới” – hãy sống khác, sống phi thường. Người mời gọi chúng ta sống sự thánh thiện Kitô giáo: “Anh em hãy nên hoàn Thiện, như cha anh em là Đấng hoàn thiện”.
Bởi lẽ, chúng ta biết rằng luật lệ được đặt ra là để phục vụ lợi ích của con người. Vì thế, giá trị nhân bản phải được đặt lên trên. Tình yêu phải là trọng tâm của đời sống chúng ta. Sống bác ái, yêu thương là nét ưu việt của Kitô giáo.
Thông điệp đó, một lần nữa, mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta noi gương Chúa Giêsu trong ngày Giáo hội mừng lễ kính thánh Martinô hôm nay. Thánh Martinô là một trong những hiện thân và dấu chỉ về gương bác ái, yêu thương và sự khiêm nhường mang tinh thần của Tin mừng.
Khi đọc lại tiểu sử của thánh Martino, chúng ta phải xót xa vì thấy cảnh đời của Martino có phần bất hạnh và vô cùng đáng thương. Martinô bị mỉa mai với những cụm từ “không có cha”, “con lai”, “con chó lai”, “tên nô lệ”… Ngài sống nghèo nàn của gia đình thuộc giai cấp bần cùng trong xã hội Lima lúc bấy giờ. Tuy vậy, ngay từ nhỏ, bên trong làn da đen đủi ấy đã sáng ngời một trái tim chất chứa yêu thương. Ngày lại ngày, Thiên Chúa tiếp tục đổ tràn vào trái tim anh da đen tình yêu thương của Ngài. Martino đã làm sinh lợi vốn yêu thương mình có bằng cách nhiệt tâm san sẻ, không những dành cho các “anh em túng nghèo” mà còn cho cả “những thú vật ngoài đồng”.
Tình yêu thương của Martino được thể hiện thường ngày qua những công việc nhỏ nhặt, qua cách phục vụ chăm sóc cho anh em. Một cộng đoàn đức tin có sự hiện diện của Thiên Chúa chắc chắn là một cộng đoàn không thể vắng mặt những người như thánh Martino. Qua đó có một điều được minh chứng là “nhờ lòng mến thương nhau, đời sống huynh đệ là khoảng không gian đầy tràn của Thiên Chúa, trong đó ta kinh nghiệm được thế nào là sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Chúa phục sinh”.
Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng con ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin giúp chúng con luôn xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng con mới thực sự làm chứng cho chân lý. Amen.