23.10.2023 – Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 12, 13-21
Một hôm, có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Suy niệm:
Cái kho là quan trọng. Kho bạc quan trọng đối với một đất nước. Kho lẫm cần cho người làm nghề nông. Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng. Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng. Mọi lợi nhuận đều thu vào kho. Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng. Sau một vụ mùa bội thu, mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình, vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa. Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này: phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn, rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó, khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm. Khi nhà kho đã an toàn thì tương lai của ông vững vàng ổn định. Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm. Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống. Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai. Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc. Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34). Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy. Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở. Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác. Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho. Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho. Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan, nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya, hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả. Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ. Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay. Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho. Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên, chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới. Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này. Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu. “Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15). Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình, để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi, nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân. Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích. Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa là người biết mở kho để trao đi và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại. Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa, chúng ta thấy kho của mình trống trơn vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội. Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay thuật lại một người đến xin Chúa Giêsu phán xử việc chia gia tài cho anh ta. Chúa Giêsu đã từ chối can thiệp. Thay vào đó, Người lại kể một dụ ngôn về lòng tham.
Dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy về bản chất, của cải vật chất không tốt cũng không xấu. Vấn đề là tội tham lam. Tham lam là một khuynh hướng nội tâm khiến con người trở nên gắn bó với những thứ phù du của thế gian này hơn là gắn bó với Thiên Chúa và thánh ý Ngài. Chúng ta không phủ nhận việc một người có thể có nhiều của cải nhưng nội tâm vẫn tách biệt khỏi chúng, nhưng điều này khá khó khăn. Như vậy, có của cải không phải là vấn đề cuối cùng. Ham muốn của cải mới là vấn đề thực sự. Vì thế, ngay cả những người nghèo, những người có rất ít của cải cũng có thể rơi vào cái bẫy tương tự khi trở nên gắn bó với những gì họ không có và tin rằng đạt được nhiều của cải hơn sẽ làm họ thỏa mãn. Chúa Giêsu từ chối làm người phán xử. Bởi vì, Người quan tâm đến những gắn bó nội tâm của người này hơn là quan tâm đến việc chia sẻ tài sản thừa kế một cách hợp lý.
Của cải vật chất có thể rất quyến rũ. Đó là một sự thật. Tuy nhiên, nhiều người rất khó thừa nhận sự gắn bó của họ với của cải và tiền bạc. Họ hợp lý hóa rằng họ đã làm việc chăm chỉ, đã kiếm được những gì họ có và có thể hưởng thụ một chút. Một số người có lòng tốt, họ dành một phần nhỏ những gì mình có cho các hoạt động từ thiện và sau đó kết luận rằng họ có thể giữ phần còn lại cho riêng mình.
Hãy suy ngẫm về những mong muốn nội tâm của chúng ta. Hãy nhìn vào nội tâm của chúng ta một cách thành thật và xem chúng ta mong muốn điều gì nhất trong cuộc sống! Hãy cân nhắc một cách cẩn thận xem chúng ta trở nên gắn bó với những thứ phù du của thế gian này ở mức độ nào! Hãy cầu nguyện để thoát khỏi mọi tham lam. Đó là cách duy nhất để chúng ta có được sự giàu có thực sự của Thiên Chúa.