30.09.2023 – Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên
Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai. Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai. Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43). Chính vào giây phút thành công vẻ vang này, Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44). Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác. Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua. Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối. Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết? Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực. Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46). Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27). Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh. Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ, nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi, con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng. Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy. Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang, họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã. Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11), và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6): “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy, thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ. Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang, nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận. Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu. Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27). Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình. Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên. Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi. Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá. Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung, lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa. Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha, và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại. Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người, và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ. Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh. Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa. Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này, chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn. Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài, cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi. Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con, Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ. Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến con có về người khác… Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Chúa Giêsu dường như thích thú với những điều bất ngờ. Đang lúc người ta bỡ ngỡ về những điều Chúa làm, đó là các phép lạ, sự cuốn hút và danh tiếng, cũng như sự khả tín đang lên cao; thì Chúa lại nói về cuộc thương khó. Sao Chúa không kéo dài cảm xúc vui sướng nơi các ông thêm một chút nữa nhỉ? Nhiều lần chúng ta thấy Chúa là như vậy. Đang vui vẻ kể chiến công rao giảng, thì Chúa bảo hãy tìm chỗ yên tĩnh nghỉ ngơi; đang rao giảng giữa chừng, Chúa lại cùng các môn đệ đi sang làng khác… Có vẻ như Chúa không muốn ở lại trong những dự định mà người ta muốn Người phải làm.
Thông thường, chúng ta thích ở lại trong những tiếng khen. Nó làm cho chúng ta thấy sung sướng, hạnh phúc vì những lời có cánh mà người đời khen tặng. Biết thoát ra khỏi những lời ngon ngọt đó, chúng ta còn biết mình là ai và ở đâu! Không biết thoát ra, chúng ta dễ sinh ra ảo tưởng, cậy dựa vào sức mình.
Chúng ta thích sống với những tiện nghi mình có, không thích sống ngoài vùng an toàn. Cái quen thuộc khiến ta dễ chịu, cái an toàn khiến ta thấy đảm bảo. Chúng ta ít thích phiêu lưu. Còn theo Chúa giống như leo lên một chiếc thuyền, ra khơi và phiêu lưu, có khi giông gió bão tố mà Chúa vẫn tựa đầu vào cột buồm ngủ. Chúa muốn chúng ta bình tĩnh cậy trông và cũng muốn chúng ta phải khước từ những tiện nghi, những an toàn, nó có thể dẫn ta đến sự lười biếng, an phận với cái mình đang có trong tay. Rao giảng Tin mừng, đi theo Chúa thì không phải ở lại trong vùng an toàn, bởi đó là con đường thương khó và đầy thách thức, là con đường của từ bỏ và dấn thân cho những điều cao đẹp ở phía trước.
Loan báo cuộc thương khó làm cho các môn đệ và những người đang theo Chúa cảm thấy hụt hẫng. Sao lạ thế được? Nó không khó hiểu, nó chỉ là khó chấp nhận, vì con người thích hưởng thụ hơn là cống hiến, thích danh tiếng hơn là lao động, thích tích luỹ hơn là cho đi…
Lạy Chúa Giêsu, con đường thương khó của Chúa thật là khó chấp nhận với các môn đệ của Chúa. Ngày hôm nay chúng con cũng sợ khó, sợ khổ, sợ phải hy sinh… Xin giúp chúng con luôn biết noi gương Chúa, hy sinh phục vụ cho Chúa và cho Hội thánh. Amen.