27.09.2023 – Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên
Lời Chúa: Lc 9, 1-6
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.
Suy niệm:
Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu, thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng, giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm. Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2). Nhưng trước khi được chia sẻ công việc, họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1). Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt. Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang. Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả. “Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3). Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ, tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin. Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa, và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người. Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an. Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường, các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa. Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ. Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho. “Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4). Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn. Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ, và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn. Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5).
Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân. Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt, không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50). Khuôn mặt của người được sai cách nay hai ngàn năm thật là đẹp. Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật, vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác. Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận: cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất. Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người, với những lo âu rất đời thường trong một gia đình, vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất. Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần đang tác oai tác quái trong đời nhiều người. Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?
Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?
Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm : rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần. Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Huấn lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu được cả ba tác giả Tin mừng Nhất Lãm ghi lại. Riêng thánh Luca tập trung vào sự nghèo khó như một điều kiện tiên quyết của người tông đồ. Dưới con mắt Luca, nghèo khó đã tự nó có giá trị, bởi vì nó nói lên thái độ sẵn sàng của con người đối với nước Trời. Ở đây, chúng ta thấy được mối phúc thật thứ nhất: “Phúc cho những ai nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Trong khi thánh Matthêu nói đến tinh thần nghèo khó, thì Luca chỉ đơn thuần đề cao sự nghèo khó.
Thật thế, theo thánh Luca, người ta khó có thể có tinh thần nghèo khó, nếu không thực sự sống nghèo khó. Với bất cứ ai muốn trở thành môn đệ của Người, Chúa Giêsu đặt họ trước đòi hỏi hỏi tận căn nhất: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi”.
Tính tận căn của đòi hỏi trên đây chỉ có ý nghĩa vì mối tương quan với Chúa Giêsu. Người môn đệ trở nên nghèo khó chỉ vì Chúa Giêsu. Sự nghèo khó như vậy không phải là một lời khuyên có tính nhiệm ý, mà là một chiều kích đích thực của niềm tin, nếu hiểu tin là đi theo Chúa Giêsu và thuộc trọn về Người. Nghèo khó xét cho cùng cũng là một đòi hỏi của phép Rửa. Sự nghèo khó là một đòi hỏi thiết yếu của niềm tin, điều đó có nghĩa là sống nghèo khó chẳng những là chọn lựa của một số người sống đời tu trì, mà còn là thể hiện niềm tin của tất cả những người mang danh hiệu Kitô.
Tin mừng mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước của cải trần thế. Thật vậy, của cải dễ chiếm ngự trái tim con người và trở thành thần tượng của con người. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng dạ của ngươi cũng ở đó”. Nếu Tin mừng nhấn mạnh đến nguy cơ của tài sản vật chất, là vì chúng có thể ngụy tạo chân lý về con người và mối tương quan của con người với Thiên Chúa.
Sự nghèo khó đích thực mà Tin mừng đòi hỏi, dĩ nhiên không hệ tại việc từ bỏ một số của cải vật chất, hoặc sống theo một mức sống nào đó. Sự nghèo khó đích thực thiết yếu là tiếng gọi con người không ngừng tìm về thân phận có cùng, bất tất và yếu đuối của mình. Càng ý thức được thân phận có cùng ấy, con người cảm thấy càng lệ thuộc vào Thiên Chúa và tình liên đới với đồng loại, càng siêu thoát đối với của cải trần thế. Càng siêu thoát của cải trần thế, con người càng được tự do để chia sẻ với đồng loại, và làm chứng cho những giá trị nước Trời. Và đó là sự đòi hỏi của sự nghèo khó đích thực mà người Kitô hữu chúng ta được mời gọi để thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người c húng con luôn biết sống nghèo để không quá lệ thuộc vào của cải trần thế mà sống cho Chúa, cho Tin mừng và cho mọi người . Amen.