20.09.2023 – Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên
Lời Chúa: Lc 7, 31-35
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: “Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”. Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: “Người bị quỷ ám”. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32). Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau. Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới, thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa. Nhưng nhóm kia đã không tham gia. Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột. Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc. Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy. Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh. Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi. Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài. Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn, đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30). Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải. Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33). Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến. Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần. Người ta đã coi ông là bị quỷ ám, nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế. Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này, Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa. Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường. Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng, một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng. Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng. Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế. Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa. Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan, bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này. Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ. Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh. Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý, con người chẳng được tự do. Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ. Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan, mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)? Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?
Lời nguyện:
Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian. Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng vào thiện chí của nhau. Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi. Ước gì chúng con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những ai khác quan điểm. Lạy Cha, xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và hiểu nhau ngay trong những dị biệt. Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển nở không ngừng và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Chúng ta nghe đoạn Tin mừng này có vẻ hơi khó hiểu, nói cho rõ thì, chúng ta thường bỏ qua khi gặp một chướng ngại nào đó, chướng ngại ấy chính là “sự thiếu nhất quán”. Tại sao vậy?
Có những người có tài ăn nói đến nỗi “kiểu gì cũng nói được”. Và Chúa Giêsu cũng nói với những người Pharisêu và luật sĩ, được đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu giải thích cách những người này phản ứng lại các thông điệp của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu như cái cớ để che lấp sự thiếu nhất quán của họ: Gioan Tiền Hô rao giảng và kêu gọi người ta thống hối, nhưng vì không muốn nên họ đã chống đối ông. Họ cũng làm cách tương tự như vậy đối với Chúa Giêsu khi Chúa tiếp đón người tội lỗi. (x. Lc 7,30-34). Sự thiếu nhất quán ấy muốn nói lên điều gì?
Người thiếu nhất quán thì thường tìm khe hở để đi. Khe hở ở đây chính là điều có lợi cho mình. Điều có lợi thì ta làm và đón nhận, còn điều bất lợi, không hợp với mình thì mình chống đối, bất tuân. Việc thiếu nhất quán này đến từ việc không xác định rõ chọn lựa một lối sống, một đường đi hay mục tiêu cuối cùng. Điều này có thể nói, những người Pharisêu và luật sĩ thiếu nhất quán giữa bên trong và bên ngoài, giữa Thiên Chúa và đòi hỏi quyền lợi cá nhân. Chính sự thiếu nhất quán ấy mà họ đã không chấp nhận để cho mình được biến đổi, và vì thế, họ không đón nhận phép rửa dục lòng thống hối của Gioan và cũng không đón nhận chính Chúa Giêsu là Đấng giải thoát họ.
Là con cái Chúa, chúng ta được mời gọi sống đời sống nhất quán trong cuộc đời mình. Từ trong ra ngoài, đều phản ánh cung cách Chúa Giêsu và tâm tình như Người. Khi có một sự thống nhất trong lối sống của người môn đệ Chúa, lúc đó chúng ta “biện minh” cho chính Đức Khôn Ngoan, là chính Chúa rồi.
Lạy Chúa Giêsu, đã nhiều và rất nhiều lần trong đời, con đã thiếu đi sự nhất quán, sống không xứng đáng là con của Chúa. Xin Chúa giúp con, từng bước một, thống nhất được con người của con, là môn đệ của Chúa và là con Chúa. Amen.