28.08.2023 – Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên
Lời Chúa: Mt 23, 13-22
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các kinh sư và người phariêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người. Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: ‘Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc’. Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề thì bị ràng buộc’. Ðồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. Và ai chỉ Ðền Thờ mà thề, là chỉ Ðền Thờ và Ðấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”
Suy niệm:
Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói đến Các Mối Phúc. Ngài chúc mừng những ai thuộc về Nước Trời bằng các lời Phúc cho. Còn trong chương 23 của Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu lại 7 lần dùng lối nói Khốn cho, khi nói với giới lãnh đạo Do Thái giáo là các kinh sư và nhóm Pharisêu. Đức Giêsu không phải là người đầu tiên dùng lối nói khó chịu này. Các ngôn sứ thời xưa như Amốt hay Isaia (Am 6, 1; Is 5, 8-24) cũng đã lắm khi dùng lối nói này để tố cáo những người quyền thế. Mục đích của các ngôn sứ là vạch trần những sai phạm của họ, và cảnh báo cho mọi người biết mà tránh xa. Đức Giêsu đã nói như một vị ngôn sứ. Khi nói khốn cho, Ngài không có ý nguyền rủa hay kết án ai, cho bằng nói lên sự đau xót, thậm chí giận dữ đến độ trách phạt. “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa!” Đức Giêsu đã nói như thế với các thành phố từ chối Ngài (Mt 11, 21). “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 24).
Đây không phải là một lời chúc dữ cho Giuđa, hay kết án anh phải đời đời hư mất. Đúng hơn đây diễn tả một tiếc nuối xót xa về tội của người môn đệ. Vào thời thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng, từ sau năm 70, có một sự xung đột nghiêm trọng giữa các Kitô hữu gốc Do Thái với những nhà lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ. Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh sự căng thẳng đó. Các vị kinh sư và những người pharisêu đầy quyền lực không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh. Ai tin sẽ bị trục xuất khỏi hội đường (x. Ga 9, 22). Như thế họ đã khóa cửa Nước Trời để chẳng ai vào được, kể cả họ (c. 13). Các vị kinh sư và nhóm Pharisêu hăng say trong việc truyền giáo. Họ muốn làm cho dân ngoại trở thành Dân Chúa. Tiếc thay, sau khi đã vào đạo rồi, những người tân tòng này có thể trở nên cứng nhắc vì nệ luật, và rơi vào thói giả hình. Họ “trở thành con cái của hỏa ngục gấp đôi các ông” (c. 15). Đức Giêsu cũng tố cáo sự phân biệt quá chi li về giá trị những lời thề. Đối với Ngài, thề nhân danh Đền thờ hay vàng trong Đền thờ, nhân danh bàn thờ hay lễ vật trên bàn thờ (cc. 16-20), thì cũng chẳng khác gì thề nhân danh chính Thiên Chúa (cc. 21-22).
Tất cả lời thề đều phải được giữ như nhau, đều ràng buộc như nhau. Những lời tố giác của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo vẫn đặt câu hỏi cho chúng ta thời nay. Làm sao để tôn giáo mở đường cho con người gặp gỡ Thiên Chúa, chứ không khép lại hay gây cản trở? Làm sao để người tân tòng thực sự trở thành con cái Nước Trời? Làm sao để chúng ta khỏi sa vào những chi li thái quá của luật lệ? Những lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối. Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi, nhưng không có chỗ trong tâm hồn, và ngược hẳn với cuộc sống thực tế. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và chính mình. Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Theo kết quả của một cuộc thăm dò do nhật báo Công giáo La Croix thực hiện nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tại Pháp, dạo tháng 8/1997, thì đa số người trẻ Pháp tỏ ra dửng dưng với Giáo hội, chỉ vì họ cho rằng Giáo hội bảo thủ và lạc hậu. Bảo thủ và lạc hậu là vì Giáo hội lên án trào lưu thách thức, chối bỏ mọi chuẩn mực luân lý của họ. Người ta sẽ không ngạc nhiên trước phản ứng ấy của đa số giới trẻ Pháp, bởi vì cho dẫu được mệnh danh là một nước có đa số dân được rửa tội và tự xưng là Kitô hữu, nhưng trong thực tế, con số người thực hành đạo tại Pháp chỉ có khoảng năm phần trăm mà thôi.
Được nhìn dưới ánh sáng của Lời Chúa, bức tranh trên đây có thể là dịp để chúng ta nhìn lại chính cách sống đạo của mình. Phải chăng những lời chúc dữ của Chúa Giêsu đối với những người biệt phái và luật sĩ đã lỗi thời, và không còn mang tính thời sự nữa? Cách sống đạo của người Kitô hữu và ngay cả những người hữu trách trong Giáo hội, phải chăng không mâu thuẫn với mầu nhiệm Giáo hội và niềm tin mà họ tuyên xưng?
Dĩ nhiên, duy chỉ Thiên Chúa mới thấu suốt tâm hồn con người, và mới có thể phán xét con người. Nhưng ít nhất, chúng ta cũng có thể nói đến một thái độ mà có lẽ chúng ta cũng dễ rơi vào, đó là thái độ ảo tưởng: ảo tưởng của những người mà có lần Chúa Giêsu đã ám chỉ tới khi nói: “Không phải những ai nói lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước Trời, mà chỉ có những ai thực thi thánh ý Chúa mới được vào mà thôi”. Ngày nay chúng ta vẫn còn bắt gặp ảo tưởng ấy nơi những người chỉ mang danh hiệu Kitô, nhưng không muốn chấp nhận và sống theo những đòi hỏi của Tin mừng. Chúng ta cũng có thể tìm thấy ảo tưởng ấy nơi những người vì một chút lợi lộc, mà sẵn sàng hành động ngược lại với những giá trị của Tin mừng.
Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ giả hình của những người biệt phái. Những lời chúc dữ cho các biệt phái hẳn cũng là một cảnh cáo của các Kitô hữu. Khi chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực, khi cuộc sống chúng ta chưa phản ánh những giá trị của Tin mừng, khi niềm tin của chúng ta chưa nhập thể hình thành những hành động cụ thể trong cuộc sống, thì hẳn chúng ta cũng đáng chuốc lấy những lời Chúa Giêsu sẽ dành cho chúng ta trong ngày sau hết: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc dữ, Ta không hề biết các ngươi”.
Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tâm hồn từng người chúng con, xin giúp chúng con luôn can đảm sống thật với Chúa, mọi người và bản thân để thuộc về Chúa. Amen.