24.8.2023 – Thứ Tư Tuần XX Thường Niên: Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ
Lời Chúa: Ga 1, 45-51
Khi ấy, ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.” Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Ðức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!” Ðức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Suy niệm:
Thầy Giêsu là người tìm thấy Philípphê và gọi anh đi theo (Ga 1, 43). Sau khi gặp Thầy, Philípphê đi tìm Nathanaen. Ông rủ bạn mình đến gặp Thầy Giêsu. Nathanaen không được nhắc tên trong mọi danh sách nhóm Mười Hai. Vào thế kỷ thứ 9, có người coi Nathanaen là Batôlômêô, lý do vì trong mọi danh sách, Batôlômêô là tên luôn đi ngay sau Philípphê. Chúng ta không chắc Nathanaen có phải là Batôlômêô không. Nhưng điều đó không quan trọng mấy. Dù sao Nathanaen cũng là một người môn đệ đã theo Thầy Giêsu, và đã có mặt trong nhóm gặp Đấng phục sinh bên bờ hồ (Ga 21, 2).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng có thể cho ta thấy ít nhiều về khuôn mặt của vị tông đồ mà chúng ta mừng kính. Sau khi được Thầy Giêsu tìm thấy và mời: “Anh hãy theo tôi” (c. 43). Philípphê đã theo Thầy và hẳn đã ở lại với Thầy một thời gian. Chính sự gần gũi và quen biết này đã khiến ông tin Thầy là Đấng được tất cả Sách Thánh nói tới (c. 45). Trong niềm vui sướng, Philípphê tìm thấy Nathanaen, và khoe: “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới.” Đấng ấy có tên là Giêsu, có cha là Giuse, có quê ở Nadarét. Với một chút thành kiến, Nathanaen đã không thể tin được chuyện này. Một ngôi làng vô danh như Nadarét, làm sao có thể sinh ra điều tốt được? Nhưng Philípphê không chịu bỏ cuộc, ông tiếp tục mời gọi bạn mình, như Đức Giêsu đã mời hai môn đệ đầu tiên: “Hãy đến mà xem” (cc. 39. 46). Cuối cùng Nathanaen đã nhận lời, đã đến và đã xem thấy.
Cuộc hạnh ngộ diễn ra giữa Thầy Giêsu với Nathanaen. Bằng cái nhìn thấu suốt, Thầy nhận ra cái tốt đẹp nơi con người anh: “Đây là một người Israel đích thật, nơi anh không có gì gian dối” (c. 47). Quả là một lời khen bất ngờ đối với Nathanaen, người mới gặp Thầy lần đầu. Anh ngỡ ngàng khi thấy Thầy biết rõ bề sâu của lòng mình. “Làm sao Ngài lại biết tôi?” (c. 48). Làm sao Ngài biết tôi là người không thích quanh co, gian dối? Đức Giêsu bảo Ngài đã thấy anh dưới cây vả, trước khi Philípphê gọi anh. Nathanaen nhanh chóng tuyên xưng niềm tin vào Thầy Giêsu (c. 49). Và Thầy hứa sẽ cho anh thấy trời mở ra để trò chuyện với con người. Thầy như cái thang bắc từ trời, để các thiên thần lên xuống (c. 51), để Thiên Chúa và con người gặp nhau.
Như Nathanaen, chúng ta cũng trở nên môn đệ nhờ có người giới thiệu. Chỉ ai đã thực sự gặp mới hăng hái đi giới thiệu Chúa với người khác. Chúa Giêsu hôm nay vẫn qua người khác mà gọi tôi theo Ngài. Nhưng cuối cùng chính tôi vẫn phải gặp mặt Ngài và để Ngài chinh phục. Dần dần Ngài dắt tôi vào mầu nhiệm của con người Ngài. Ngài là Giêsu Nadarét, con ông Giuse, và là chính Con Thiên Chúa Ngài là chiếc thang đưa tôi từ đất lên mà gặp gỡ trời cao.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, khi đến với Chúa con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con, con đóng lại bút viết: các quan điểm của con, con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con, để con được ở một mình với Ngài, lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Sau khi được ở với Ngài, con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa, con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa, con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay thuật lại: sau khi gặp Chúa Giêsu, ông Philipphê đến gặp ông Nathanael và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Ông Nathanael liền bảo: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?”.
Tại sao Nathanael lại phản ứng mạnh mẽ trước tin Philipphê đã tìm thấy Đấng Mesia được hứa trước như vậy? Rất có thể vì người Do Thái đều biết rằng Đấng Messia được hứa sẽ đến từ Bếtlêhem, không phải từ Nazareth. Vì thế, Nathanael ngay lập tức đặt ra nghi ngờ này vì nguồn gốc được cho là của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu thực sự được sinh ra ở Bếtlêhem và sau đó chuyển đến Nazareth (Mt 2,1), nhưng Nathanael đã không nhận ra điều này ngay lập tức. Phản ứng của Nathanael cũng là điều mà chúng ta cần suy niệm.
Giống như Nathanael, chúng ta có thể dễ nghi ngờ những vấn đề về đức tin vì những điều chúng ta không hiểu biết đầy đủ. Có lẽ nếu Philipphe đến và nói rằng Chúa Giêsu sinh ra ở Bếtlêhem nhưng lớn lên ở Nazareth, thì Nathanael có thể đã cởi mở hơn và đón nhận ngay lập tức. Chúng ta không được đóng cánh cửa trước sự thật chỉ vì điều gì đó không có ý nghĩa ngay lập tức đối với chúng ta.
Trước sự nghi ngờ của Nathanael, Philipphê đã không giải thích hay chứng minh. Ông chỉ mời gọi Nathanael: “Hãy đến mà xem”. Sau khi Nathanael đến gặp Chúa Giêsu, ông đã nhanh chóng tuyên bố đức tin trọn vẹn của mình nơi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel!”. Trong cuộc sống, nếu có điều gì liên quan đến cuộc sống khiến chúng ta bối rối hoặc nếu có nghi ngờ gì liên quan đến chân lý đức tin, thì hãy để những lời của Philipphê nói với chúng ta: “Hãy đến mà xem”. Thật vậy, nếu chúng ta mang những bối rối của mình đến với Chúa bằng đức tin và sự cởi mở, thì mọi việc sẽ được sáng tỏ. Chúng ta sẽ loại bỏ được những cám dỗ để nghi ngờ, và chúng ta sẽ có thể có đức tin vượt xa lý trí của con người. Đức tin thường không đến từ những lập luận thuyết phục hoặc suy luận chi tiết. Nó thường đến qua sự cởi mở và đơn sơ với tiếng nói của Chúa vang vọng trong tâm hồn chúng ta.
Lạy Chúa, Ngài mời gọi tất cả chúng con đến với Ngài, để nhìn thấy Ngài và tin tưởng nơi Ngài. Xin mở trí chúng con đón nhận tất cả những gì Ngài muốn nói với chúng con để chúng con trút bỏ những nghi ngờ và vững tin vào Chúa. Amen.