23.8.2023 – Thứ Tư Tuần XX Thường Niên
Lời Chúa: Mt 20, 1-16a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Suy niệm:
Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giêsu ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy: “Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài. Họ sẽ được xét xử các chi tộc Ítraen, được gấp trăm về mọi sự, và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30). Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng, một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh. Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại. Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên. Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng, thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng. Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó. Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ông chủ độ lượng”. Trong thế giới thời Đức Giêsu, người ta mướn thợ buổi sáng và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15). Lương công nhật là một quan tiền (denarius), tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản. Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích. Ông chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý. Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6) lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần. Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng, còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4). Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối. Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước. Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều) cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền. Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm, “đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12). Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền. Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.
Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy. Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng. Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công. Bất công nằm ở chỗ làm nhiều, làm ít, nhận lương như nhau. Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công, vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận. Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất, những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa. “Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14). Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh: đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa. Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối, người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít. “Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn với tài sản của tôi sao?” (c. 15). Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn. Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người. Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12). “Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15). Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng, ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.
Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành, đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân. Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một. Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời. Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng. Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh. Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban hơn là một sự trả công hay phần thưởng. Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người. Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành. Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời. Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn. Ông chủ vườn nho thương cả những người đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn. Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?
Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ? Chắc chẳng được bao nhiêu. Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày. Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một, “những người không được ai mướn” (c.7), những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời, những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao. chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ. Những người này khác với những người làm từ sáng, biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền. Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hĩ. Nhưng chắc là đã có những tiếng reo. Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế, kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân… Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ, quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng. Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.
Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho. Người còn thấy cả thời gian chờ. Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc. Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa, Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ, vì lòng tốt của Ngài không sao hiểu được. Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ. Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui. Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa. Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay thuật lại việc ông chủ vườn nho ra chợ một ngày năm lần: vào sáng sớm, lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, lúc 3 giờ và cuối cùng 5 giờ chiều. Ông đích thân tìm thợ, đưa họ về làm việc và hứa trả lương công nhật đúng theo tiêu chuẩn đã định.
Cứ theo lẽ thường tình, những người đầu tiên đã làm mười hai giờ họ nhận được tiền công là một quan tiền như thoả thuận. Còn người làm cuối cùng, họ chỉ làm có một giờ thì hẳn họ chỉ nhận được số tiền là một phần mười hai quan tiền. Thế nhưng vào cuối ngày, ông ta trả cho tất cả những người làm thuê đều là một quan tiền như thể tất cả họ đã làm việc từ sáng sớm. Vì thế, những người được thuê đầu tiên cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng thật không công bằng khi những người chỉ làm việc một giờ lại được trả mức lương như họ. Đáp lại sự khó chịu của những người được thuê đầu tiên, ông chủ nói: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”.
Thật vậy, khi trả cho tất cả mọi người, người làm từ giờ đầu tiên cũng như người làm từ giờ cuối cùng, tất cả mỗi người đều một quan tiền, ông chủ không có bất công với những người làm từ giờ đầu tiên, vì ông đã trả đúng theo quy định của xã hội, và đúng theo thoả thuận với những người đó. Nếu có gì đó không ổn thì đó là sự rông lượng của ông chủ.
Lòng thương xót của Thiên Chúa rộng lượng và sâu thẳm không thể hiểu được. Còn chúng ta, với tư cách là những con người giới hạn và mỏng giòn, chúng ta không ngừng kiểm tra xem liệu mình có nhận được phần của mình một cách công bằng hay không và so sánh bản thân với người khác. Chúng ta có xu hướng muốn nhiều hơn nữa và dễ dàng ghen tị khi thấy người khác thành công hoặc nhận được những phước lành mà chúng ta không có. Chúng ta thường có xu hướng buồn bã nhận thấy rằng mình không có những gì người khác có. Nỗi buồn về phước lành của người khác là một hình thức ghen tị. Nó có thể nhanh chóng biến thành đố kỵ và sự đố kỵ này sẽ dễ dẫn tới tức giận.
Bất cứ khi nào chúng ta nhận thấy hình thức đau buồn không lành mạnh này bên trong mình, hãy chú ý. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang thiếu lòng quảng đại vị tha đối với người khác. Phương thuốc cho lòng đố kỵ và sự ghen tị này là sự rộng lượng hết lòng. Chúng ta không chỉ hào phóng về tiền của mà còn hào phóng về tình cảm và khả năng của chúng ta nữa. Với tấm lòng rộng lượng, chúng ta sẽ quảng đại và vui mừng trước những phước lành mà người khác nhận được. Chúng ta sẽ ngợi khen và cảm tạ Chúa vì sự tốt lành và ân sủng của Chúa được trao ban cho chúng ta cũng như được trao ban cho người khác.
Lạy Chúa, Chúa ban phúc lành dồi dào cho tất cả mọi người. Xin giúp chúng con biết nuôi dưỡng lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những phúc lành mà chúng con cũng như người khác đã lãnh nhận. Xin giúp chúng con đừng tập trung vào chính bản thân mình, và giải thoát chúng con khỏi lòng đố kỵ và gạt bỏ mọi cám dỗ để so sánh. Amen