12.07.2023 – Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên
Lời Chúa: Mt 10, 1-7
Một hôm, Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philipphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Itcariôt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần.”
Suy niệm:
Đức Giêsu đã cần mười hai bạn trẻ cộng tác với mình, để làm mục tử cho đàn chiên, làm thợ gặt cho mùa lúa chín vàng, làm tông đồ cho một nước Palestine nhỏ bé. Ngài chia sẻ cho họ uy quyền mình có và sứ vụ mình làm (c. 1). Con số mười hai gợi nhớ mười hai chi tộc Israel ngày xưa. Giáo hội Ngài thiết lập sẽ là Israel mới, đặt nền trên mười hai bạn trẻ. Chúng ta khó hình dung khuôn mặt riêng của mỗi vị tông đồ, nhưng ta biết tên của họ qua các sách Tin Mừng, dù có chút dị biệt. Họ có cá tính và cuộc đời riêng, nhưng đều được gọi bởi Thầy Giêsu, và được Thầy sai đến với dân tộc mình là Israel (c. 6). Tin Mừng Matthêu kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp. Simôn Phêrô đứng đầu danh sách, còn Giuđa Iscariot thì đứng cuối. Chỉ sau này ta mới biết Simôn sẽ chối Thầy và Giuđa sẽ phản bội. Có những cặp anh em ruột: Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Có người làm nghề thu thuế cho quân đô hộ: Matthêu. Có người lại muốn dùng vũ trang giải phóng đất nước: Simôn nhiệt thành. Có ba người được coi là môn đệ thân tín : Phêrô, Gioan và Giacôbê. Nói chung đa số là những người ít học thức, làm nghề đánh cá. Được sai đi thật là một thách đố đối với họ. Họ có làm nổi những việc Thầy giao không?
Vào thời Đức Giêsu, rao giảng “Nước Trời đã đến gần” là điều không dễ. Để người ta tin chuyện đó, cần phải minh chứng bằng hành động cụ thể, như chữa lành bệnh hoạn và khử trừ thần ô uế. Vào thời nay, rao giảng Tin Mừng Nước Trời lại càng không dễ. Rao giảng vẫn phải đi kèm với các việc phục vụ con người. Lập một bệnh xá, bắc một cây cầu, đào một giếng nước, giúp trẻ em nghèo đến trường, đưa người cai nghiện về lại với cộng đoàn, cho các cô gái lầm lỡ có chỗ sinh con và nuôi con… Giáo hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ. Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần, đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người. Mười Hai Tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Palestine, và đã đặt chân đến những vùng đất mới. Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa. Chúng ta được Đấng Phục Sinh sai đến các dân tộc (Mt 28, 20). Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó. Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam gần 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Ðức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới. Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do bị trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Người là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó, trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Truyền giáo là bản chất của Giáo hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Giáo hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo hội coi “truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).
Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ vụ loan báo Tin mừng. Mong sao lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta : “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin mừng” (1Cr 9,16).
Lạy Chúa, xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng con đang sống, đồng thời, xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng truyền giáo mênh mông bao la hiện nay. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien