01.07.2023 – Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên
Lời Chúa: Mt 8, 5-17
Khi Đức Giêsu vào thành Capharnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Apraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh. Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người. Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.
Suy niệm:
Đức Giêsu mới chữa cho một người phong bằng một tiếp xúc gần, nay Ngài lại chữa lành cho một người bị đau liệt ở xa. Người được khỏi chính là đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng. Con người sống gắn bó với nhau bằng những mối dây. Viên đại đội trưởng là chủ, nhưng ông cảm được nỗi đau của anh đầy tớ: “Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (c. 6). Người đầy tớ được khỏi là nhờ tình thương của chủ đối với anh, chính ông đã đi gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh đầy tớ (c. 5). Và chính lòng tin của ông đối với Đức Giêsu đã khiến anh được khỏi (c. 10). Những điều tốt lành của Thiên Chúa vẫn đến với ta qua người khác. Khi Đức Giêsu nghe lời kêu xin, thì Ngài sẵn sàng lên đường ngay (c. 7), dù biết rằng nhà của viên đại đội trưởng là nhà dân ngoại, bị coi là ô uế. Có thể vì sợ Ngài bị ô uế mà ông ta đã can ngăn bằng câu nói nổi tiếng: “Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời, đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh” (c. 8). Ông ý thức về sự bất xứng của mình, của căn nhà mình ở. Và ông xác tín vào sức mạnh của việc “Ngài chỉ nói một lời.” Viên đại đội trưởng nhận mình là người có quyền. Uy quyền của ông nằm trong lời ông ra lệnh cho cấp dưới (c. 9). Ông tin lời của Đức Giêsu cũng có uy quyền như vậy. Chỉ một lời ra lệnh của Ngài cũng đủ đẩy lui bệnh tật và thần dữ. Đức Giêsu ngây ngất trước lòng tin của viên sĩ quan dân ngoại, một lòng tin vừa mạnh mẽ, vừa khiêm tốn. Một lòng tin như thế, Ngài chưa từng gặp nơi dân Ítraen (c. 10).
Đức Giêsu nghĩ đến ngày cánh chung, quanh bàn tiệc Nước Trời, có bao người đến từ muôn phương, những kẻ không phải là người Do thái. Họ làm nên một cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài. Họ vui sướng được ngồi bên các tổ phụ và những người Ítraen chân chính. Đức Giêsu cho thấy dòng lịch sử đang đi vào ngã rẽ quan trọng. Ơn cứu độ phổ quát do Ngài đem lại được mở ra cho mọi người. Chỉ ai cố tình chối từ Tin Mừng Nước Trời mới bị loại (c. 12). Đức Giêsu không chỉ rao giảng Nước Trời bằng lời. Ngài còn chứng minh Nước Trời đã đến bằng bao việc tốt lành, kỳ diệu. Lời Ngài giảng cũng là lời chữa cho người phong, cho tên đầy tớ. “Ngài nói một lời là trừ được các thần dữ” (c. 16). Lời uy quyền khi giảng cũng là lời uy quyền khi chữa bệnh. Nhưng Đức Giêsu cũng đụng chạm đến nỗi đau của con người. Ngài đụng đến người phong, và đụng đến bàn tay mẹ vợ ông Phêrô (c. 15). Hôm nay, Giáo Hội vẫn cần những người rao giảng như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa và dạy con bước đi ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày. Xin truyền cho con sức mạnh của Người. Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu. Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ. Chúc tụng Chúa là Cha, đã dẫn con đi đến cùng, đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung với tràn trề bình an và niềm vui.
( ĐHY Roger Etchegaray )
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. Lời tiên tri Isaia về tư cách của Đấng Messia, vốn là điểm nhấn thần học nơi Tin mừng Matthêu, ngày càng được trình bày sáng tỏ nơi dung mạo của Chúa Giêsu Kitô – vừa là chủ thể rao giảng, vừa là hiện thân sống động của thực tại nước Thiên Chúa. Một sự liên đới “mang vào mình” của Chúa để yêu thương, đến nỗi bằng cả cái chết và sự sống lại cho con người được tái sinh làm con Thiên Chúa, để chính Người trở nên trưởng tử giữa đàn em đông đúc. Hãy xem sự chữa lành “mang vào mình” của Chúa Giêsu khi ôm lấy tất cả, không loại trừ: từ một đầy tớ của viên đội trưởng dân ngoại, đến một người phụ nữ không có tiếng nói trong cộng đoàn; từ những người bệnh tật đến những người bị quỷ ám. Một sự chữa lành không chỉ dựa vào lòng tin của chính đương sự, mà còn hiệu lực cả khi “mang vào mình” sự chuyển cầu hay chứng từ đức tin sống động từ người khác, như: sự cầu xin của viên đội trưởng dành cho người đầy tớ, sự ân cần đối với bà mẹ vợ của Phêrô, cùng sự giúp đỡ của người thân đưa kẻ đau bệnh, thậm chí cả người bị quỷ ám được đến gặp và chạm vào Chúa Giêsu. Quả thật, qua Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã “mang vào mình” trọn thân phận con người, mà từ đây “đất và trời” đã trở nên gần gũi, ngay cả phận người mỏng giòn cũng được đụng chạm để có thể hồi sinh và cất thành bài ca vinh quang Chúa khắp nơi.
“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. Bạn có đủ mạnh mẽ để nhận ra và “mang vào mình” đến với Chúa Giêsu Kitô những tật nguyền của phận người bất toàn và giới hạn; hoặc những bệnh hoạn của bản thân hay tha nhân nơi những lỗi tội cùng thói hư tật xấu? Làm sao tôi đủ can đảm và vững tin rằng, Chúa Giêsu Kitô có thể “mang vào mình” trọn lấy con người tôi? Đừng quên lời xác tín của thánh Irênê rằng: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống” và “sống dồi dào” (Ga 10,10). Hãy luôn cảm nếm niềm hạnh phúc cùng nuôi dưỡng tương quan thần linh nền tảng trong ý thức nhân phẩm và cố gắng sống thánh mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mang lấy phận người như chúng con, ngoại trừ tội lỗi, xin giúp chúng con luôn cảm nếm sâu đậm một tình yêu nhập thể và trao ban tất cả. Xin giúp chúng con can đảm sống sự thật về chính mình, nhờ cảm thông và dám “mang vào mình” như chính Chúa, những tật nguyền và khốn cùng của anh chị em chúng con. Nhất là, xin giúp chúng con biết yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng con trước. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien