30.06.2023 – Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên
Lời Chúa: Mt 8, 1-4
Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. Rồi Đức Giêsu bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
Suy niệm: 4
Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu. Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu, dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46). Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin ? “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2). Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ. “Nếu Ngài muốn” : anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh. Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài. Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu. Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm. Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh. Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu” khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình. “Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con. “Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài, quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất, và da thịt anh phút chốc được lành sạch. Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác, Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất. Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không, nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả. “Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3). Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại. Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời, Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3), đó là đưa tay đụng đến người phong. Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó. Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh. Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch. Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm. Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường, hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội. Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4). Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ? Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch? Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ. Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.
Lời nguyện:
Lạy Chúa xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách: những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu lời Chúa những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương, những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này: “Điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính ta.”
( Mẹ Têrêxa Calcutta )
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Lời rao giảng đi đôi với hành động. Lời hay ý đẹp cũng cần có gương sáng hiện thực minh chứng. Có thể vì thế mà vị thánh sử đã trình thuật phép lạ đầu tiên (chương 8 gồm nhiều phép lạ kèm theo) để cho sống động hơn về những gì người ra giảng.
Phép lạ, ban đầu, có thể khiến cho người khác kinh ngạc. Cũng vì thế mà dân chúng theo người đông đảo. Nhưng không phải ai cũng đón nhận được phép lạ, hoặc vì như anh cùi này chủ động tiến lại phía Chúa Giêsu để xin phép lạ từ Người, hoặc Chúa Giêsu chủ động làm phép lạ trong một điều kiện nào đó.
Trước hết, phép lạ gây kinh ngạc cho người xem. Còn đối với người nhận được phép lạ, thì đó là một khởi đầu cho niềm tin đích thực. Anh cùi này, chưa nhận phép lạ nhưng anh đã tin: anh sụp lạy trước Chúa Giêsu và van xin Người. Niềm tin có khi bắt đầu từ cách nghĩ đơn sơ: Ngài có thể làm điều đó với tôi; rồi khi đụng chạm đến Đấng uy quyền, nó càng củng cố và làm sâu sắc hơn về đức tin đó, vì nó là hành vi cá vị, một kinh nghiệm riêng tư dẫn vào cuộc gặp gỡ linh thánh với Đấng uy quyền, siêu việt.
Ở đây, chúng ta thấy sự khác biệt giữa đám đông và anh cùi: đám đông chỉ đi theo, còn anh cùi thì tách ra, tiến lên và gặp Chúa Giêsu. Ở đây, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu cũng có cách gặp gỡ khác biệt: đám đông thì Chúa nhìn thấy, nhưng đụng chạm người cùi thì là riêng biệt. Việc đụng chạm người cùi là phạm luật thanh sạch, vì người cùi thì ô uế nên bị cấm tiếp xúc với người lành. Từ đây, chúng ta thử nhìn lại kinh nghiệm đức tin của mình xem. Làm môn đệ của Chúa là dám tách khỏi đám đông để phụng sự Chúa. Làm môn đệ của Chúa là để Chúa đụng chạm đến mình và làm cho nên thanh sạch. Dù cho đó là bước khởi đầu. Rồi từng bước, từng bước Chúa dẫn ta đi. Tiếc là ngày hôm nay, nhiều người nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu, là Kitô hữu, nhưng lại không dám tách khỏi đám đông, không dám mạnh dạn phụng sự Chúa, không dám để Chúa đụng chạm vào trái tim mình để biến đổi cho thanh sạch và hối thúc ta làm những việc Chúa muốn. Quá nhiều người đi theo Chúa, nhưng lại quá ít người là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn yêu mến Chúa hết lòng và cũng yêu mến tha nhân hết tình, để con luôn xứng đáng là môn đệ của Chúa trong tinh thần phục vụ. Amen
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien