19.05.2023 – Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 16, 20-23a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.”
Suy niệm:
Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy. Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn, Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ. Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20). Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời. Niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22). Không có một Kitô giáo buồn. Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo, bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia : Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu. Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức, qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ, qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối, qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.
Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi. Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong. Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập. Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường. Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui. Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa. Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui. Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền. Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui. Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán. Thế giới hôm nay là một thế giới buồn. Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm. Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể. Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa, người ta lại không biết mình sống để làm gì. Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới, không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm, nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con, nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21). Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ, nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu. Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời, người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười, nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa. Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân. Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng. Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh. Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại. Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều màu hồng. Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con. Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được.” (Ga 16,22)
Câu chuyện minh họa:
Câu chuyện sau đây xảy ra vào ngày 3 tháng 7 năm 1991 tại Biluet, một làng của nước Canada, nằm trên bờ sông Phơrat cách thành phố Vancôvơ 200 cây số về hướng đông bắc.
Chung quanh làng Biluet có núi rừng bao bọc. Phong cảnh nơi đây trông thật nên thơ. Vì tính chất hoang dại của nó nên dân cư còn thưa thớt. Trái lại vùng này là một địa bàn hoạt động của đoàn quân trên dưới ba ngàn con cọp rừng.
Buổi sáng hôm đó trời thật đẹp, nên bà La-ren Lếch 44 tuổi quyết định đưa năm em nhỏ mà bà nhận nuôi tại nhà ra ngoài trời để vừa chơi vừa vẽ.
Đã từ rất lâu bà ấp ủ mộng ước mở một nhà trẻ nhận chăm sóc các trẻ em ngay trong nhà của bà. Đây là một việc làm thoải mái rất phù hợp với tấm lòng yêu thương trẻ em tràn trề của bà. Sau khi trải qua tất cả các cuộc khảo hạch. Bà La-ren nhận được đầy đủ văn bằng cần thiết để mở nhà trẻ. Lần đầu tiên bà thu nhận được 5 trẻ tuổi từ 2 đến 5, gồm 4 gái 1 trai. Cho đến ngày hôm đó mọi sự đều dễ dàng trôi chảy như ý bà. Cuộc đời như tươi cười trước đôi mắt sáng ngời tự tin của bà.
Đang trông coi các em bỗng bà có ý nghĩ dẫn các em đi hái trái dâu dại mọc theo hàng dài dọc bờ sông. Mọi người hăng hái lên đường. Bà không quên mang theo ba con chó bergiê giống Đức đã được 1 tuổi. Sau khi hái dâu bà lại quyết định đưa các bé ra bãi cát của bờ sông để chơi trò tương tự như trò tìm khăn của trẻ em Việt Nam.
Vừa dự tính bắt đầu trò chơi bà La-ren chợt nhận ra sự im lặng lạ lùng của các em. Ngước mắt lên bà trông thấy Jang đứng trước mặt Nikê, bé trai 2 tuổi, một con cọp to bằng con chó bergiê của bà. Đầu con cọp cúi xuống trên mặt bé Nikê. Trong nháy mắt bà La-ren như chết điếng tại chỗ. Bỗng bà nói với con cọp như thể nói với con mèo trong nhà: Thôi đi! Đừng liếm mặt bé Nikê nữa! Bà không biết Nikê có bị cọp cắn không vì cậu bé cứ ngồi yên bất động.
Không một chút do dự bà nhảy bổ đến bên con cọp và định kéo đuôi có. Nhưng rồi bà đổi ý ngay. Bà dùng hết sức mình lấy tay túm cổ con cọp và lay nó thật mạnh. Tức khắc cọp con quay phắt ra sau hùng hổ giơ các nanh vuốt nhọn của hai cẳng trước ra. Bằng một động tác bất ngờ nó cào rách mặt hai bé đứng gần đó, rồi nhảy bổ lại giơ hai cẳng trước để túm lấy đầu bà La-ren.
Mặc dầu còn nhỏ cọp con cũng đã đủ sức để có thể giết chết một nạn nhân to lớn hơn nó gấp ba lần. Chỉ vào lúc bấy giờ các cô cậu bé mới ý thức được nguy hiểm đang diễn ra. Các bé chạy núp sang bên bà La-ren và không ngừng la hét. Bà La-ren càng ý thức rõ ràng mình đang đối đầu với một con vật vô cùng nguy hiểm. Nhưng bà không có lựa chọn nào khác hơn là phải ăn thua với con vật để bảo vệ đến cùng năm đứa trẻ mà bà có bổn phận phải coi sóc.
Vừa đối diện với cọp con bà vừa ra lệnh cho các bé: Các con đứng tất cả sau lưng cô. Bà dùng hết sức mạnh túm lấy hai cẳng trước của con cọp và tìm cách đẩy nó đi xa. Bà quyết một sống chết với con cọp. Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Bà bị cọp cấu rách đầy mình. Vừa chống trả bà La-ren vừa la hét ra lệnh cho con chó bergiê: Pan! Nhảy vào cắn cọp đi! Nhưng con chó kinh hãi lùi ra xa, không dám phản ứng gì.
Thấy mình quá yếu sức lại không biết cầu cứu cùng ai bà La-ren dùng phương pháp cuối cùng, bà tha thiết thầm xin Chúa cứu giúp vừa hét vào mõm con cọp: Mày hãy cút đi và để tụi tao được yên, vừa đẩy nó về phía con chó. Bà nói như van lơn con chó: Cắn nó đi! Cắn nó đi!. Cọp con bị đẩy quá mạnh liền lăn nhào xuống và cắm cổ chạy vào rừng.
Lúc đó bà mới hoàn hồn. Không ngờ trong phút cực kỳ nguy hiểm, ngoài lòng tin cậy Chúa bà La-ren đã dùng đúng chiến thuật phải dùng để đẩy lui địch thủ. Trước tiên bà đã lên tiếng kịp thời để ngăn chặn không cho cọp con ghé mõm ngậm đầu bé Nikê và mang đi. Sau đó bà không ngừng la hét bà tỏ thái độ dữ tợn quyết một sống một chết với cọp. Theo các chuyên viên thì cọp thường mất tính chất hung hăng của nó trước tiếng la hét dữ dằn của đối thủ. Bà La-ren và năm trẻ nhỏ của bà đã thoát khỏi hiểm nguy nhờ lòng tin cậy Chúa, cùng với sự can đảm và thật tình yêu thương trẻ của bà.
Lòng yêu thương lớn lao và tinh thần trách nhiệm cao độ đã khiến bà La-ren dám liều mạng để cứu những kẻ mình yêu là một phản ảnh trung thực của Đấng đã thể hiện cách hoàn hảo điều Ngài răn dạy: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ liều mạng vì người mình yêu.
Gương bà La-ren cũng là một lời mời gọi chúng ta diễn tả lại nơi bản thân mình lời dạy và gương mẫu của Chúa Giêsu, đối với những người chúng ta yêu thương và có trách nhiệm.”
Suy niệm:
Có những nỗi buồn làm cho con người mất niềm hy vọng nhưng cũng có những nỗi buồn giúp con người trở nên tốt hơn. Nỗi buồn của các môn đệ là tâm trạng lo lắng khi phải xa cách Thầy. Ở với Thầy, các ông được lắng nghe Thầy giảng dạy, được chứng kiến các phép lạ Thầy làm, được Thầy dạy cầu nguyện với Chúa Cha… Nhưng Người biết được tâm trạng của các ông nên đã trấn an: “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” Chỉ có niềm vui trong Chúa không ai lấy mất được.
Mỗi Kitô hữu chúng ta có tìm kiếm niềm vui trong Chúa không hay chúng ta tìm kiếm niềm vui nơi những khoái lạc bên ngoài?
Lạy Chúa, xin cho con luôn xác tín rằng những nỗi u buồn của chúng con sẽ trở thành niềm vui không ai cướp mất được, khi con kết hợp với những đau khổ của con với những đau khổ của Chúa trên Thập giá.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
“Thầy sẽ gặp lại anh em…” nhưng gặp lại bằng cách nào? Quả thật, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã hiện ra và gặp các môn đệ thực sự, cùng đồng hành và ăn uống với các ông, nhưng rồi sau đó, Chúa về trời, và không còn thấy Chúa như những kinh nghiệm trước đây từng được ăn uống và tiếp xúc bằng xương bằng thịt. Điều này muốn nói gì nơi Hội thánh và nơi chúng ta?
Trước tiên, Chúa Giêsu về trời không phải là một mất mát, nhưng là một niềm vui, hay nói cách khác đó là một món quà. Chúa Thánh Thần chính là món quà cho Giáo hội và cho mỗi tâm hồn người Kitô hữu. Giáo hội vẫn tràn ngập niềm vui, người Kitô hữu vẫn tràn ngập niềm hân hoan vì có Chúa hoạt động qua Thánh Thần của Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta sẽ gặp Chúa, và Chúa gặp chúng ta qua cách thức khác, qua sự quy tụ của cộng đoàn khi tham dự thánh lễ, họp nhau thờ phượng hoặc làm việc đạo đức nhân danh Chúa Giêsu Kitô, qua việc nhân danh Chúa phục vụ người khác và rao giảng Tin mừng cho mọi người.
Thứ đến, có sự hiểu biết nào đó mà không cần phải thắc mắc về Chúa nữa. “Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa”. Ngày ấy là ngày nào? Ngày ấy là hôm nay, là lúc này, là lúc Chúa Thánh Thần hoạt động, là thời gian Chúa Thánh Thần hướng dẫn tâm hồn và con tim chúng ta, là lúc Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh, là lúc Chúa Thánh Thần được ban cho Hội thánh như một quà tặng vĩnh viễn, và “niềm vui của anh em không ai lấy mất được”. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các con tim và tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể hiểu về Thiên Chúa và về điều Chúa muốn nơi chúng ta.
Cuối cùng, dẫu chúng ta có những nỗi buồn, về sự mất mát, cô đơn, đau khổ, thì chúng ta vẫn có được niềm vui đó là chính Chúa. Chúa đã trải qua những gian khổ đó để chúng ta hiểu rằng, sự chiến thắng và đạt được niềm vui không nhất thiết là không có đau khổ, nhưng là có Chúa, và ai có Chúa là có niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, con ngợi khen Chúa đã bình phục con bằng tất cả các thương tích và khổ đau của Chúa. Con vẫn sống dù con gây ra các lỗi lầm, con vẫn sống khi con đang phạm tội, con hiểu rằng Chúa vẫn thương con để cho con có cơ hội làm lại cuộc đời. Con ngợi khen Chúa đã cho con sống để biết quay về với Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh