18.05.2023 – Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 16, 16-20
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”. Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Ðiều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?” Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Suy niệm:
Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly, Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16). Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa. Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau, Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy. Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ. Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này. Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng. Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại, tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu. Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai? Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân. Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng. “Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20).
Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa, khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng, liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không? “Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16) và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20). Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh, lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em, và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc. Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống, thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay. Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng Thầy mới là người chiến thắng. Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn. Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán. Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày. Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi. Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào. Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề; có những lúc con muốn buông trôi, để mặc cho dòng đời đưa đẩy; có những khoảng thời gian dài, con như mảnh đất khô khan cằn cỗi. Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi. Xin cho con tấm bánh của Chúa để con có sức mà dấn bước. Xin cho con Lời của Chúa để con vững một niềm tin. Xin cho con sự sống của Chúa để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn, niềm vui và sáng tạo. Lạy Chúa Giêsu, con thấy mình cần Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời. Ước gì ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Câu chuyện minh họa:
Có một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi bước vào một công viên, ông đã gặp tổ kén lạ. Ông liền bứt cành cây đem kén bướm về nhà. Ít ngày sau, ông thấy nhúc nhích bên trong kén, nhưng con bướm vẫn chưa phá kén bay ra.
Hôm sau, kén lại nhúc nhích, nhưng chẳng có gì khác lạ. Lần thứ ba, vẫn thấy như trước, ông liền lấy dao rạch kén, thế là con bướm bò ra ngoài. Tuy nhiên, bướm không tăng trưởng và chẳng bao lâu thì chết.
Sau này, ông được người bạn là nhà sinh vật học cắt nghĩa như sau: Thiên nhiên đã xếp đặt cho con bướm phải đấu tranh mới thoát ra khỏi cái kén, vì nhờ đấu tranh gian khổ mà nó có thể phát triển mạnh mẽ để sinh tồn.
Muốn làm cánh bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, bướm phải làm kiếp sâu lặng lẽ, cô tịch trong vỏ kén lặng lờ, khuất nẻo. Muốn làm con bướm bay trong bầu trời xanh ngắt, bướm phải là con sâu đen đủi xấu xa, vặn vẹo đau đớn trong tổ kén đợi chờ.
Suy niệm:
Trong cuộc sống, có khi chúng ta tưởng chừng những khó khăn thử thách lại gây cản trở chúng ta. Chúng ta chỉ mong cuộc sống luôn bình an. Thế nhưng, nhờ những khó khăn thử thách đó, Chúa tinh luyện chúng ta nên tốt hơn, và nhờ những khó khăn chúng ta biết chạy đến với Chúa và gắn kết với Chúa nhiều hơn. Trong mọi lúc Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Như chú bướm kia tự mình ra khỏi cái kén để bước vào một giai đoạn mới thế nào, Chúa cũng muốn chúng ta vượt lên chính mình, đấu tranh chống lại gian khổ như vậy, để chúng ta nên trưởng thành hơn. Ngài không bỏ rơi chúng ta nhưng luôn dõi bước và nâng đỡ ta.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho con luôn cảm nhận sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong mọi bước đường đời con, để con luôn bước đi trong tin yêu và phó thác.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Qua đoạn Tin mừng, chúng ta thấy, trước nỗi buồn thầy-trò sắp ly biệt, Chúa Giêsu đã an ủi và dạy bảo các môn đệ hãy tin tưởng vào tương lai, vì nỗi buồn của các ông sẽ trở thành niềm vui khi Chúa Giêsu phục sinh và Chúa Thánh Thần được ban cho các ông.
Thế nên Chúa Giêsu mới nói: “Anh em sẽ khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng”. Đây là một lời mặc khải được cấu trúc dựa theo mặt trái của bản văn khải huyền (x. Mt 5,4). Cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu nhúng Người và các môn đệ vào trong nỗi u sầu. Trước viễn tượng cái chết của mình, Chúa Giêsu nói: “lòng Thầy bây giờ xao xuyến” (Ga 12,27) và “linh hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,38).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khơi lên một niềm hy vọng cho các ông rằng: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ thành niềm vui”. Quả thật, ở bên ngoài ngôi mộ Chúa Giêsu, không biết Người đã sống lại nên Maria Mađalêna vẫn khóc lóc. Song nỗi buồn chỉ là “một ít lâu”, vì Người sẽ sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20,1). Nỗi buồn các môn đệ sẽ trở thành niềm vui bất tận. Các ông không còn phải sợ chi, vì Đức Kitô – Thầy mình là Đấng thống trị thế giới (Ga 16,33). Họ có thể hy sinh cả mạng sống mình để được sống lại trong sự bảo đảm mà Chúa Giêsu chiến thắng mang lại.
Nhìn vào cuộc sống, chúng ta nghiệm ra rằng, người nông dân vất vả suốt ngày trên nương đồng với hy vọng sẽ thu hoạch được một vụ mùa. Nỗi mệt nhọc của họ sẽ trở thành niềm vui khi lúa thóc tuôn về nhà. Cậu học trò vất vả sớm hôm với đèn sách với hy vọng thi đậu. Nỗi vất vả, mệt nhọc, lo âu trở thành niềm vui và vinh dự trong ngày trở về “vinh quy bái tổ”. Người cha, người mẹ lo toan vất vả nuôi dạy con cái và họ vô cùng vui sướng khi con cái thành nhân, thành tài. Cuộc đời dương thế của chúng ta là “gieo trong hy vọng để gặt trong hân hoan”.
Vậy thì thái độ của chúng ta trước những thất bại, hiểu lầm, đau khổ trong cuộc đời như thế nào? Chúng ta than thân trách phận, khó chịu bực mình với anh chị em; chúng ta bi quan chán chường hay lạc quan; chúng ta thật sự tin tưởng ở tương lai, ở tình thương quan phòng của Thiên Chúa?
Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhận ra rằng, chỉ qua đau khổ con người mới cảm nhận được niềm vui đích thực, chỉ qua thiếu thốn và chia lìa con người mới cảm được hạnh phúc khi được đầy đủ và sum họp. Xin cho chúng con học được chính bài học này, để sống trọn hành trình theo Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh