16.05.2023 – Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 16,5-11
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi:”Thầy đi đâu?” Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”
Suy niệm:
Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một chút. Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn phiền. Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy, các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó (c.6). Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng có bao là kỷ niệm. “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c. 5). Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi để dọn chỗ cho họ. Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga 14, 1-3). Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui sướng, vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28). Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ. “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7). Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, phục sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời, sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa, thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng. Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy. “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu.
Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giêsu. Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa, để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27). “Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7). Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình (Ga 17, 4; 19, 30), Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ. Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh, dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga 13, 1; 17, 24). “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18). Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh Thần. Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có một Đấng Bảo Trợ. Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt. Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng mình. Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện. Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng không, tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta, và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát. Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con. Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con, chiếu sáng Giáo Hội, chiếu sáng thế giới, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em…” (Ga 16,7)
Câu chuyện minh họa:
Nhà hiền triết Mạnh Tử khi sang nước Tề, một hôm nói chuyện, hỏi vua Tề Tuyến Vương:
– Giả sử có người bầy tôi nhà vua đem đời sống của vợ con gửi gắm một người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc. Tới khi về mới hay bạn để vợ con mình đói rét, người ấy phải xử trí thế nào?
Tuyên Vương đáp:
– Tuyệt giao ngay.
Mạnh Tử lại hỏi:
– Giả sử có người làm quan sĩ sư (coi việc hình ngục) không chăm nom mỗi thuộc viên để hình ngục sai lầm, công việc lộn xộn, nhà vua xử sao?
– Đuổi cổ đi!
Mạnh Tử luôn đây hỏi thêm một câu nữa:
– Thế làm vua một nước mà không lo việc triều chính để đến nỗi ở trong nước không bình trị thì trách nhiệm về ai và nên xử ra sao?
Tuyên Dương nghe nói, ngoảnh ngay sang tả hữu, nói lảng qua việc khác, có ý vừa chữa thẹn, vừa tránh không trả lời.
Suy niệm:
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự cần thiết khi Ngài ra đi. Cuộc ra đi nào cũng mang lại ưu phiền nhưng Ngài trấn an các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em…” Vì thế, Ngài muốn chúng ta chấp nhận sự ra đi của Ngài, Thánh Thần sẽ đồng hành và nâng đỡ chúng ta như Chúa đã hứa: “Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em”. Trong cuộc sống, Chúa cũng muốn chúng ta chấp nhận từ bỏ, dứt khoát với một thói quen xấu, để rồi chúng ta cũng sẽ được tìm thấy niềm vui trong Chúa, và được lớn lên trong đức tin.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin hãy cải biến con người con, để mỗi ngày con trở nên tốt hơn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Sống trong một xã hội và thế giới thực dụng, con người luôn ưu tiên đi tìm cho mình những gì có lợi và thực tế trước mắt hơn là lâu dài. Giữa một thế giới luôn tranh tối tranh sáng của những sai lầm đến từ tội lỗi, sự bất công và việc xét xử, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy vững tin cậy dựa vào Chúa.
Quả thật, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta bao giờ, Ngài đã ban chính Con Một xuống thế làm người, chịu chết đền tội cho chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài còn ban Đấng Bảo Trợ đến với chúng ta, giúp chúng ta an tâm tiến bước trên hành trình trần gian dù tràn ngập ưu phiền do bị thiệt thòi vì sống theo Lời Chúa dạy.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ chúng con, xin hãy đến và cư ngụ trong gia đình và cuộc đời chúng con, để chúng con đủ sức sống công chính thánh thiện như lòng Chúa Giêsu mong ước. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh