12.05.2023 – Thứ Sáu Tuần V Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 15, 12-17
Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Suy niệm:
Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau. Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo. Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền. Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12). Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như. Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau, khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ: “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13). Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu. Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng. Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó. Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó. “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9).
Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu, và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ. Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy, qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau. Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp. Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò, mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14). Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư. Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm, và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15). Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở. Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ. Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau. Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau. Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực, các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14). Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau. Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu. Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau. Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác, như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng… Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói. Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội. Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Câu chuyện minh họa:
Một cụ già lê đôi chân chậm chạp và khó nhọc bước vào nhà hàng. Nhìn dáng vẻ bên ngoài của cụ không có gì đặc biệt, bộ quần áo đã cũ sờn duy chỉ có đôi mắt sáng và thân thiện.
Nhà hàng đang giờ đông khách, thấy ông cụ đứng bối rối tìm một chỗ ngồi, cô phục vụ liền chạy đến bên chào và nói: Thưa ông, để cháu giúp ông một tay. Cô nhanh nhẹn kéo ghế đỡ ông vào một bàn bên cửa sổ, đặt cây gậy bên cạnh bàn rồi vui vẻ mang bữa điểm tâm ra.
Bằng giọng nói nhẹ nhàng, ông cám ơn cô. Cô đáp lời: Cháu sẽ quay lại đây trong ít phút nữa nếu ông cần gì cứ vẫy tay gọi cháu. Sau khi ông cụ điểm tâm xong, cô phục vụ lại đến giúp ông đứng dậy, đưa cây gậy và tiễn ông ra cửa. Vừa mở cửa, cô còn nói: Hy vọng gặp lại ông, nhà hàng hân hạnh được phục vụ.
Sau đó, cô quay lại lau bàn và hết sức ngạc nhiên, bên dưới cái đĩa ăn, ông cụ để lại tờ 100 đôla và tấm danh thiếp. Trên đó ông ghi: Tôi rất cảm kích và trân trọng cách đối xử của cô. Cử chỉ tử tế ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người khách của nhà hàng. Cô gái hết sức ngỡ ngàng khi nhận ra tên người đàn ông đó chính là giám đốc của nhà hàng. Đây là lần đầu tiên cô ta gặp được ông.
Suy niệm:
Bằng tình yêu thương, cô nhân viên phục vụ đã tạo được ấn tượng tốt với giám đốc nhà hàng. Chính việc phục vụ không phân biệt của cô và thái độ niềm nở, ân cần của cô, người khác đã nhận được niềm vui và chính cô cũng đã gặp được niềm vui.
Bản chất của tình yêu là trao ban, mở ra, và cho đi không ngần ngại. Chúa Giêsu vì yêu thương nên đã trao ban chính mạng sống mình để cứu nhân loại tội lỗi của chúng ta. Cao cả hơn nữa, Ngài còn lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta. Khi chúng ta chìm sâu trong Ngài, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Ngài cũng muốn chúng ta một khi đã lãnh nhận tình yêu nơi Ngài cũng biết trao ban cho anh em, bằng chính tình yêu mà Ngài đã dành cho mỗi chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn, nhờ sống đức yêu thương như Chúa đã yêu thương.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ và cách riêng mỗi người chúng ta hãy tuân giữ điều Người truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Chúa Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền. Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em”. Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ “như”. Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Chúa Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau, khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ: “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống “điều răn mới” là “yêu như Thầy đã yêu”. Điều này không dễ thực hiện bởi lẽ con người chúng ta còn mang đầy tính ích kỷ, chỉ yêu những gì thuộc về mình, có lợi cho mình, mấy ai dám yêu kẻ thù để rồi chịu thiệt thòi mất mát. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu là khuôn mẫu của tình yêu. Vì thế, ai yêu thương thì nên giống Thiên Chúa. Tình yêu ấy chính là động lực cho con người thêm can đảm lướt thắng mọi nỗi sợ hãi, gian nan vất vả kể cả cái chết. Yêu thương càng nồng nàn, đức mến càng rộng khắp, giống như cách nói của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu… Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1Cr 13,4.7).
Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi yêu như Chúa, chúng con hiểu cả, nhưng sống điều mình hiểu thật là không dễ chút nào! Xin Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi mắt, đôi tai, đôi tay và đôi chân của Chúa, để chúng con can đảm thực thi lệnh truyền yêu thương của Chúa trong niềm tin, lòng mến và sự phó thác. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh