10.05.2023 – Thứ Tư Tuần V Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 15, 1-8
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
Suy niệm:
Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin. Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu. Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả. Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ. “Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5). Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây. Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành. Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4), người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5). Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong. Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7). “Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim. Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu, vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4). Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại. Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối. Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ. Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó. Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều. Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn. Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16). Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa. Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành. Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống. Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu, mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh. Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu. Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho. Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón. Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi. Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2). Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho. Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình. Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng. Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn. “Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8). Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người. Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa. Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.
Cầu nguyện:
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện. Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.
(Cha Piô)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, Giáo hội đã tháp nhập chúng ta như những cành cây nho vào mầu nhiệm Phục sinh và khổ nạn của Chúa Giêsu là thân cây nho. Từ gốc nho này chúng ta lãnh nhận nhựa sống và sống sự sống của Chúa Giêsu, tự bản chất là sinh hoa kết quả khi kết hiệp với Chúa Giêsu, hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các mục tử trong Giáo hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Người. Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: “Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc ‘ở lại’ cách thâm sâu và trung tín với Chúa”. Điều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì “cành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho” (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, “các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15,5).
Đó là sự kết hợp giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa cây nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, không ai chủ trương “mỗi người là một hòn đảo” mà sống tốt được. Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi, khô héo và rơi rụng đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác.
Chúng ta là Kitô hữu, nghĩa là người có Đức Kitô, sinh nhiều hoa trái chứng tỏ chúng ta là môn đệ, là chi thể đích thực của Chúa Kitô. Chúng ta đã được ghép vào thân cây mới, cây nho Giêsu. Chính nhựa Giêsu, và sự hiện diện của Chúa Giêsu khi chúng ta nhận lãnh trong Thánh Thể đổi mới chúng ta: “Cành nào sinh trái thì Cha Thầy tỉa sạch để nó sai trái hơn” (Ga 15,2).
Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường nhưng là những điều bình thường. Nhưng thử hỏi: kết hiệp với Đức Kitô như thế nào để giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái? Thưa, đức tin và đức ái, nghĩa là ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống trong ân sủng, các hành vi đạo đức của chúng ta sẽ là hoa trái tốt lành của Chúa Cha. Thật quí trọng biết bao khi luôn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa! “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15, 6).
Để là những cây sinh trái, chúng ta phải gắn bó với Chúa Kitô như cành nho với cây nho, được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể sinh nhiều hoa trái. Hoa trái ở đây theo thánh Phaolô là hoa trái của Thần Khí, cụ thể như: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…” (Gl 5,22-23).
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tin vào Chúa Kitô, sống gắn bó với Chúa Kitô luôn mãi, và can đảm chịu mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh chính mình để sống hoàn thiện, làm vinh danh Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh